Biến thể COVID-19 mới và nguy cơ đối với người bệnh phổi mạn tính
(NS) - Dù các biến thể Covid-19 mới thuộc nhóm Omicron ít gây tổn thương phổi hơn so với các chủng cũ, nhưng người cao tuổi mắc bệnh nền hô hấp vẫn cần đặc biệt thận trọng.
Ông Trần Hùng (Ninh Bình) cho biết bố mình năm nay 65 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hơn một năm. Ông băn khoăn liệu khi nhiễm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, bố có nguy cơ bị biến chứng viêm phổi nặng hơn không và nên làm gì để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Hiện tại, một số biến thể mới của virus nCoV như NB.1.8.1 – vừa được ghi nhận tại Việt Nam – đều thuộc nhóm Omicron. Nhóm này có đặc điểm chung là khả năng lây lan mạnh hơn so với các biến chủng trước đây như Delta hay Alpha, nhưng lại thường gây tổn thương nhẹ hơn đến phổi. Lý do là vì chúng chủ yếu tấn công vào đường hô hấp trên như mũi và họng, thay vì xâm nhập sâu vào mô phổi như chủng Delta. Nhờ vậy, nguy cơ dẫn đến viêm phổi nặng nói chung đã giảm, đặc biệt ở những người trẻ tuổi và những người đã tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng đối với những người lớn tuổi (trên 60 tuổi) và có bệnh nền về hô hấp như COPD, nguy cơ trở nặng khi nhiễm virus vẫn cao hơn. Người bệnh có thể dễ bị tổn thương mô phổi, đặc biệt nếu bị đồng nhiễm thêm các vi khuẩn hoặc virus khác, gây biến chứng viêm phổi nghiêm trọng hoặc suy hô hấp.
Ngoài người cao tuổi và bệnh phổi mạn tính, một số nhóm đối tượng khác cũng cần đặc biệt chú ý trước sự lan nhanh của các biến thể Covid-19 mới, bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ (với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện), người chưa tiêm đủ liều vaccine hoặc đã tiêm từ lâu mà chưa được tiêm nhắc lại.
Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh và hạn chế biến chứng, người có bệnh lý nền về hô hấp như bố của anh Hùng cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Bao gồm việc đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng hoặc khu vực đông người, hạn chế tụ tập nếu không cần thiết, thường xuyên rửa tay, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, và đặc biệt là tiêm phòng vaccine đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc các chuyên gia.
Trong trường hợp có biểu hiện bất thường về hô hấp như ho kéo dài, sốt, đau tức ngực hoặc khó thở, gia đình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh chuyển biến nặng.
Việc theo dõi sát tình trạng sức khỏe và tuân thủ các khuyến cáo y tế là cách tốt nhất giúp người bệnh phổi mạn tính phòng ngừa rủi ro từ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Link bài gốcCoppy
https://vnexpress.net/nguoi-benh-phoi-man-tinh-nhiem-bien-the-covid-19-moi-nguy-co-nang-khong-4892277.html