2025-06-06 10:12:08

Mỹ trừng phạt 4 thẩm phán ICC liên quan lệnh bắt Thủ tướng Israel

(NS) - Ngày 5/6, chính phủ Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt đối với bốn nữ thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), cáo buộc họ đưa ra các quyết định "gây tổn hại đến chủ quyền của Mỹ và đồng minh", bao gồm lệnh bắt Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Danh sách thẩm phán bị trừng phạt gồm: Beti Hohler (Slovenia), Reine Alapini-Gansou (Benin), Luz del Carmen Ibanez Carranza (Peru) và Solomy Balungi Bossa (Uganda). Theo lệnh, cả bốn người bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và bị đóng băng toàn bộ tài sản cũng như lợi ích tại quốc gia này.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubo tuyên bố Washington sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình, của Israel và các đồng minh khác trước những hành động mà Mỹ coi là phi pháp từ phía ICC. Ông cũng kêu gọi các quốc gia khác cùng phản đối các quyết định của ICC, gọi đó là "cuộc tấn công đáng xấu hổ" nhằm vào Mỹ và Israel.

Thẩm phán Beti Hohler và Reine Alapini-Gansou từng tham gia phiên tòa dẫn đến việc ban hành lệnh bắt ông Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant vào tháng 11/2024. ICC cáo buộc hai quan chức này phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong xung đột tại Dải Gaza.

Trong khi đó, Luz del Carmen Ibanez Carranza và Solomy Balungi Bossa tham gia các thủ tục cho phép điều tra cáo buộc lực lượng Mỹ phạm tội ác chiến tranh trong chiến tranh Afghanistan.

Từ trái qua phải: Các thẩm phán ICC gồm Beti Hohler, Reine Alapini-Gansou, Luz del Carmen Ibanez Carranza và Solomy Balungi Bossa. Ảnh: ICC

Ngay sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt, ICC đã ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng đây là hành động can thiệp vào tính độc lập của một cơ quan tư pháp quốc tế được 125 quốc gia thành viên ủy nhiệm. ICC khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ các thẩm phán bị trừng phạt và tiếp tục thực hiện đầy đủ chức năng xét xử theo quy định.

Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập năm 2002, đặt trụ sở tại La Hay (Hà Lan), là cơ quan thường trực truy tố cá nhân phạm các tội nghiêm trọng như tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh.

Mỹ và Israel không tham gia Quy chế Rome - hiệp ước thành lập ICC - và không công nhận thẩm quyền của tòa. Tuy nhiên, hầu hết các đồng minh phương Tây của Mỹ, cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Mỹ Latin, châu Phi là thành viên. Theo luật quốc tế, các nước này có trách nhiệm thực thi lệnh bắt giữ của ICC nếu người bị truy nã xuất hiện trên lãnh thổ của họ.