2025-06-05 10:53:35

NASA đối mặt khủng hoảng lớn khi bị cắt giảm mạnh ngân sách

(NS) - Đề xuất cắt giảm gần 25% ngân sách NASA và rút đề cử lãnh đạo mới khiến cơ quan vũ trụ Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn, đe dọa chấm dứt nhiều chương trình khám phá không gian trọng yếu.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa đề xuất cắt giảm gần một phần tư ngân sách của NASA, khiến giới khoa học và cộng đồng khám phá vũ trụ choáng váng. Tình trạng càng thêm hỗn loạn khi Tổng thống bất ngờ rút đề cử tỷ phú Jared Isaacman – người được kỳ vọng sẽ dẫn dắt cơ quan vũ trụ Mỹ. Theo đó, ngân sách phân bổ cho NASA trong năm 2026 chỉ còn 18,8 tỷ USD, giảm mạnh so với 24,9 tỷ USD năm 2025. Đáng chú ý, các chương trình khoa học không gian bị cắt gần 50%, chỉ còn 3,9 tỷ USD. Trong số các chương trình bị loại bỏ có Mars Sample Return – nhiệm vụ đưa mẫu đất đá từ Sao Hỏa về Trái Đất, cùng với các tàu thăm dò như Mars Odyssey và MAVEN. Nhiều nhiệm vụ thám hiểm Sao Kim và chương trình vật lý thiên văn cũng bị đưa vào danh sách cắt giảm, bao gồm cả Đài quan sát tia X Chandra – một biểu tượng trong ngành thiên văn học hiện đại.

Thậm chí, chương trình không gian có người lái cũng đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ. Ngân sách mới đề xuất loại bỏ Hệ thống phóng không gian (SLS), tàu vũ trụ Orion và trạm Lunar Gateway – những trụ cột quan trọng của sứ mệnh Artemis III dự kiến đưa con người trở lại Mặt Trăng vào năm 2027. Artemis III được đánh giá là dấu mốc mang tính lịch sử, nhưng hiện nay nguy cơ bị hoãn hoặc hủy là rất lớn. Trong đề xuất mới, chính quyền Trump muốn chuyển sang mô hình thương mại hóa khám phá không gian, sử dụng tên lửa tư nhân như New Glenn của Blue Origin hay Starship của SpaceX để thực hiện các nhiệm vụ từ Mặt Trăng đến Sao Hỏa.

Ngân sách dự kiến dành cho NASA năm 2026 bị cắt giảm mạnh. Ảnh: homas Lammeyer

Hệ quả đi kèm là cắt giảm mạnh nhân sự. Dự kiến, số nhân viên NASA sẽ giảm hơn 1/3, từ hơn 17.000 người xuống còn chưa đầy 12.000. Nhiều nhà khoa học bày tỏ lo ngại điều này sẽ phá vỡ hệ sinh thái nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ. Tổ chức The Planetary Society khẳng định cắt giảm ngân sách đồng nghĩa với việc “kết thúc khả năng nghiên cứu khoa học có ý nghĩa của NASA”. Đảng Dân chủ cũng phản đối gay gắt, cho rằng điều này cản trở vai trò và vị thế dẫn đầu của Mỹ trong ngành hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội và theo thông lệ, hiếm khi Quốc hội phân bổ nhiều hơn mức Nhà Trắng đề xuất.

Việc Tổng thống Trump rút đề cử Jared Isaacman – người sáng lập công ty hàng không vũ trụ Shift4 và là phi hành gia thương mại đầu tiên bay vào quỹ đạo – cũng khiến dư luận bất ngờ. Isaacman trước đó được cho là người phù hợp để dẫn dắt NASA theo mô hình hợp tác công tư, nhưng ông từng lên tiếng phản đối chính sách cắt giảm tài trợ khoa học, có thể là lý do khiến đề cử bị rút lại. Từ phía giới nghiên cứu, chuyên gia Paul Byrne tại Đại học Washington cảnh báo nếu đề xuất được thông qua, NASA sẽ mất đi động lực sáng tạo quan trọng nhất trong sứ mệnh mở rộng hiểu biết của loài người về vũ trụ. Trong khi đó, các cơ quan khoa học khác như Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ cũng đang đối mặt với nguy cơ cắt giảm, có thể phải đóng cửa một trong hai đài quan sát sóng hấp dẫn LIGO danh tiếng.