2025-06-06 10:24:17

Ngành thép, nhôm Mỹ có cất cánh nhờ mức thuế nhập khẩu 50%?

(NS) - Kể từ ngày 4/6, mức thuế nhập khẩu với thép và nhôm vào Mỹ chính thức tăng lên 50%, áp dụng cho tất cả quốc gia trừ Anh. Đây là bước tiếp theo sau quyết định nâng thuế từ 25% hồi tháng 3, do Tổng thống Donald Trump ký nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa và hạn chế hàng nhập giá rẻ.

Theo ông Trump, việc tăng thuế sẽ giúp bảo vệ ngành công nghiệp thép và nhôm – vốn được xem là thiết yếu với an ninh quốc gia. “Chúng ta cần ngăn thép và nhôm nước ngoài tràn vào thị trường Mỹ với giá thấp, phá vỡ cạnh tranh công bằng,” ông phát biểu trong chuyến thăm nhà máy U.S. Steel ở bang Pennsylvania ngày 30/5.

Hiện tại, khoảng 25% nhu cầu thép và gần 50% nhu cầu nhôm của Mỹ đến từ nhập khẩu, chủ yếu từ Canada và Mexico. Riêng Canada xuất khẩu 3,2 triệu tấn nhôm sang Mỹ trong năm ngoái.

Các hiệp hội công nghiệp như Hiệp hội Nhôm nguyên sinh Mỹ (APAA) và Liên đoàn United Steelworkers ủng hộ quyết định tăng thuế. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng chỉ riêng thuế quan là chưa đủ để khôi phục năng lực sản xuất trong nước.

Thực tế, nhiều thách thức nội tại đang kìm hãm ngành thép và nhôm Mỹ. Đầu tiên là tình trạng thiếu lao động có tay nghề. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, hơn 20% nhà máy sản xuất trên toàn quốc không thể vận hành hết công suất do thiếu nhân sự. Kể từ sau thập niên 1980, nước Mỹ gần như ngừng đào tạo quy mô lớn công nhân ngành công nghiệp nặng, trong khi lực lượng lao động già đi và chính sách nhập cư ngày càng siết chặt.

Vấn đề thứ hai là chi phí năng lượng – đặc biệt nghiêm trọng với ngành luyện nhôm. Việc không thể ký hợp đồng điện dài hạn với mức giá cạnh tranh đã khiến nhiều nhà máy luyện kim trong nước đóng cửa. Điều này cũng khiến các kế hoạch mở rộng sản xuất nhôm – như dự án của Emirates Global Aluminium (EGA) hay Century Aluminum – đối mặt với rủi ro chi phí đầu vào quá cao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Irvin Works, ngày 30/5. Ảnh: Reuters

Chính quyền Trump đang thúc đẩy các khoản đầu tư lớn. U.S. Steel kỳ vọng được hợp tác với Nippon Steel (Nhật Bản) để nâng cấp nhà máy tại Mỹ. Century Aluminum cũng nhận được hỗ trợ từ liên bang để xây dựng nhà máy phát thải carbon thấp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và đưa vào vận hành những dự án này thường kéo dài 5 năm – lâu hơn thời gian một nhiệm kỳ tổng thống.

Trong khi đó, thuế nhập khẩu cao có thể kéo theo tác động ngược đến các ngành phụ thuộc vào thép và nhôm ngoại, như sản xuất ô tô, thiết bị điện tử, hàng gia dụng, bao bì thực phẩm và xây dựng. Giá đầu vào tăng khiến doanh nghiệp sản xuất phải đẩy chi phí sang người tiêu dùng.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, giá thép đã tăng 16% kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi tháng 1. Tính đến cuối tháng 3, giá thép tại Mỹ khoảng 984 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với châu Âu (690 USD) và Trung Quốc (392 USD). Chênh lệch giá này có thể khiến các nhà nhập khẩu quay sang nguồn cung trong nước, từ đó tạo điều kiện để các nhà sản xuất nội địa tăng giá – ngay cả khi họ không gặp cạnh tranh từ hàng nhập khẩu.

Các chuyên gia như Josh Spoores, trưởng bộ phận phân tích ngành thép khu vực châu Mỹ của công ty CRU, cho rằng chính sách thuế nhập khẩu cần được thực hiện cùng với cải cách thương mại quốc tế toàn diện và phối hợp với các đồng minh. “Mỹ vẫn là nước nhập khẩu ròng thép. Việc đánh thuế cao sẽ không dừng được thép nhập khẩu, nhưng chắc chắn sẽ khiến giá tăng”, ông nhận định.

Dù được hỗ trợ từ chính sách, ngành công nghiệp thép và nhôm Mỹ chỉ có thể "cất cánh" nếu đi kèm với các biện pháp sâu rộng hơn về đào tạo nhân lực, cải cách năng lượng và ổn định môi trường đầu tư lâu dài.