Dự thảo cũng quy định về việc báo cáo chất lượng thóc như sau: Chậm nhất một tháng sau khi kết thúc nhập kho, Thủ trưởng đơn vị dự trữ quốc gia chỉ đạo các bộ phận chuyên môn báo cáo chất lượng thóc nhập kho về Cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách.

Hàng tháng đơn vị dự trữ quốc gia trực thuộc báo cáo đơn vị dự trữ quốc gia tình hình chất lượng thóc bảo quản trước ngày 25 hàng tháng, riêng tháng cuối của quý báo cáo trước ngày 20 của tháng.

Hàng quý, đơn vị dự trữ quốc gia tổng hợp, báo cáo Cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách tình hình chất lượng thóc bảo quản trước ngày 20 tháng cuối quý. Trường hợp đột xuất đơn vị gửi báo cáo riêng.

Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử; yêu cầu về giao nhận (nhập, xuất), công nghệ bảo quản và công tác quản lý đối với thóc dự trữ quốc gia.

Về đối tượng áp dụng, Quy chuẩn này áp dụng đối với các đơn vị dự trữ quốc gia, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao nhận (nhập, xuất), bảo quản và quản lý thóc dự trữ quốc gia.

Năm 2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) sẽ mua 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc nhập kho dự trữ quốc gia, theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã phê duyệt thực hiện đấu thầu rộng rãi mua 190.000 tấn gạo, loại 15% tấm, gạo được xay xát từ thóc thu hoạch Vụ Đông - Xuân Nam Bộ năm 2020 theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật DTQG, thời gian mở thầu từ ngày 12/3/2020; dự kiến hoàn thành việc nhập kho trước ngày 15/6/2020; gạo đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 78/2019/TT-BTC.
Đối với việc mua 80.000 tấn thóc đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Thông tư số 53/2014/TT-BTC, các đơn vị thực hiện mua trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng (không qua tổ chức đấu thầu) theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia và Thông tư số 89/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nhập xuất, mua bán hàng dự trữ quốc gia.