TMĐT xuyên biên giới: Cơ hội kết nối “sân chơi” quốc tế cho doanh nghiệp Việt
(NS) - Thịnh hành và phát triển mạnh mẽ khiến thương mại điện tử là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ có cơ hội thành công trên thị trường “quốc tế” nếu tiếp cận một cách bài bản và xây dựng một chiến lược cụ thể.
Thông qua nền tảng kết nối internet người tiêu dùng có thể mua sắm tại các thị trường quốc tế và trở thành “người tiêu dùng toàn cầu”. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp dễ dàng hơn khi giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tay khách hàng quốc tế. Có thể thấy rằng thương mại điện tử xuyên biên giới rất phổ biến ở châu Âu. Gần đây, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa qua kênh thương mại điện tử tăng vọt trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bán hàng online hoặc qua sàn giao dịch thương mại điện tử tới người tiêu dùng quốc tế thì cần đăng ký kinh doanh ở một nước cụ thể nào đó và nên khai báo các giao dịch theo trang web của từng nước thành viên.

Bàn luận về nội dung thương mại điện tử là nền tảng cho phát triển kinh doanh xuyên biên giới, trao đổi với Phóng viên Thương Trường, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả đánh giá, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã trở thành động lực cho thương mại điện tử của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần trong xã hội.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc.
“Nền tảng thương mại kinh doanh xuyên biên giới là môi trường hoạt động của thương mại điện tử có thể kể đến như Facbook, Zalo, các mạng xã hội,… Theo đó, để phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, hạ tầng cơ sở phải tốt, phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu của khách hàng. Đồng thời, để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp,.. thì doanh nghiệp tham gia phải đầu tư hạ tầng, đào tạo đội ngũ con người chuyên nghiệp, đảm bảo về trình độ kĩ thuật. Một vấn đề hết sức quan trọng đó là đồng bộ các phương tiện thiết bị phục vụ cho thương mại điện tử, tiện ích đơn giản dễ sử dụng, chống được rủi ro, chống được tin tặc, hacker,…” – TS. Long nhấn mạnh.
Như vậy, thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực. Với lợi thế của thương mại có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, do vậy phạm vi nhóm hàng, sản phẩm và đối tượng bán hàng sẽ được mở rộng hơn trước.
Cơ hội này không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hoá, bảo quản hàng hoá, khâu thông quan hàng hoá, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây chính là những vấn đề mà doanh nghiệp, các nhà bán hàng Việt Nam cần phải tìm hiểu, nắm bắt và thực hành thao tác thành thạo.

Xoay quanh nội dung trên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng: “Rõ ràng trong vấn đề kinh doanh xuyên biên giới vai trò nền tảng của thương mại điện tử tạo ra sự thuận lợi vừa dễ tiếp cận đối với bạn hàng được rộng rãi và các chi phí bỏ ra rất thấp so với kinh doanh trực tiếp”.
TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ thêm, khi doanh nghiệp đã đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, có nghĩa là phần nào đó phù hợp với các thông lệ quốc tế, qua đó góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tự hoàn thiện mình, đổi mới để có thể tiếp cận được với các doanh nghiệp trên toàn cầu, khách hàng trên toàn thế giới.
“Chính vì lẽ đó thương mại điện tử đã trở thành một trong những lĩnh vực rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể vươn xa hơn, đẩy mạnh hơn các hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu. Đặc biệt, trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử thì rất cần quan tâm đến vấn đề an toàn bảo mật trong vấn đề kinh doanh cũng như khả năng xác thực của các chủ sàn thương mại, đây là những vấn đề sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử”,- ông Thịnh nhấn mạnh.
Có thể khẳng định rằng thương mại điện tử xuyên biên giới được phát triển trên nền tảng thương mại quốc tế truyền thống kết hợp với thương mại điện tử đang trở thành trào lưu của các quốc gia có nền tảng thương mại điện tử phát triển như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... và lan rộng tới các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan và cả Việt Nam...
Thương mại điện tử từ lâu đã là phương thức phổ biến ở nhiều quốc gia. Bên cạnh kênh xuất khẩu truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh phân phối hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Với những tín hiệu tích cực, mở ra tiềm năng lớn trong tương lai đặc biệt là trong bối cảnh dịch covid và ngay cả trong khi thực hiện bình thường mới.
Thương mại điện tử xuyên biên giới ở Việt Nam đối với doanh nghiệp xuất khẩu còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Doanh nghiệp làm thương mại điện tử xuyên biên giới cần phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như kỹ năng thương mại điện tử của nước sở tại.
Hải Bình
Link bài gốcCoppy
https://thuongtruong.com.vn/news/tmdt-xuyen-bien-gioi-co-hoi-ket-noi-san-choi-quoc-te-cho-doanh-nghiep-viet-81341.html