2025-06-04 11:40:02

Việt Nam đứng trước cơ hội vươn lên dẫn đầu làn sóng công nghệ kép

(NS) - Trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (Blockchain) đang mở ra cánh cửa lớn cho Việt Nam bứt phá trong cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu. Với nền tảng nhân lực trẻ, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và môi trường chính sách cởi mở, Việt Nam được đánh giá là điểm đến lý tưởng để thử nghiệm, triển khai và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ kép.

Tại phiên khai mạc chuyên đề "Data, Finance & Enterprise" thuộc khuôn khổ sự kiện Super Vietnam 2025, Tiến sĩ Phạm Tiến Dũng – Đồng sáng lập, Trưởng phòng AI và Khoa học dữ liệu tại Var Meta Technology – đã nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của AI và Blockchain trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Theo ông Dũng, sự kết hợp giữa hai công nghệ này không chỉ mang lại hiệu quả vận hành cho doanh nghiệp, mà còn đảm bảo minh bạch và nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Ông chỉ ra rằng AI đóng vai trò tối ưu hóa quy trình, tự động hóa và hỗ trợ ra quyết định trên nền tảng dữ liệu lớn, trong khi Blockchain tạo lớp bảo mật thông tin với khả năng truy xuất và xác minh cao. “Đây là hai trụ cột công nghệ bổ trợ lẫn nhau, tạo ra đột phá lớn trong bối cảnh toàn cầu đang tăng tốc chuyển đổi số”, ông nhận định.

Phạm Tiến Dũng, Đồng sáng lập kiêm Trưởng phòng AI và Khoa học dữ liệu, Công ty Var Meta Technology. Ảnh: Giang Huy

Trong năm 2024, Việt Nam đã đạt thứ hạng 5 toàn cầu về chỉ số chấp nhận tiền mã hóa và đứng thứ 39/193 quốc gia về mức độ sẵn sàng với AI – theo đánh giá của Oxford Insights. Dư địa phát triển còn lớn, và đây chính là thời điểm để Việt Nam tăng tốc, bứt phá khỏi nhóm đi sau trong lĩnh vực công nghệ cao.

Việt Nam có nhiều lợi thế để tận dụng “cửa sổ cơ hội” này. Từ lực lượng lao động trẻ, chi phí vận hành thấp, môi trường khởi nghiệp linh hoạt đến hệ thống hành lang pháp lý đang được cải tiến, tất cả tạo nên một sân chơi lý tưởng để thử nghiệm và mở rộng các mô hình công nghệ. Các startup nhỏ, với khả năng xoay chuyển linh hoạt, sẽ là nhân tố dẫn đầu xu hướng, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và giáo dục.

Một ví dụ được ông Dũng chia sẻ là dự án MyRCVR – hệ thống xử lý tranh chấp tích hợp AI và Blockchain – có thể rút ngắn thời gian giải quyết khiếu nại từ vài tuần xuống chỉ còn vài giờ. Đây là giải pháp tiềm năng cho ngành tài chính Việt Nam, nơi phần lớn quy trình vẫn đang được thực hiện thủ công.

Trong lĩnh vực giáo dục, mô hình Bitkub Academy đã triển khai cấp chứng chỉ dưới dạng NFT và sử dụng AI để đề xuất việc làm dựa trên kỹ năng. Mô hình này đã hỗ trợ hàng nghìn sinh viên Đông Nam Á kết nối với doanh nghiệp và hoàn toàn có thể được áp dụng rộng rãi tại các trường đại học trong nước.

Tiến sĩ Phạm Tiến Dũng trong bài phát biển sáng 4/6. Ảnh: Giang Huy

Theo ông Dũng, để các ứng dụng này đi vào thực tiễn, doanh nghiệp cần bắt đầu từ những “điểm đau” trong vận hành như chi phí nhân sự, thời gian xử lý chậm hoặc thiếu minh bạch trong quản lý. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) – vốn linh hoạt và phản ứng nhanh – có thể tiên phong triển khai thử nghiệm. Việc liên kết thành các cụm doanh nghiệp để chia sẻ chi phí, nguồn lực và kiến thức sẽ gia tăng hiệu quả tổng thể.

Về mặt chính sách, chuyên gia này cho rằng cần sớm ban hành hành lang pháp lý minh bạch cho Blockchain, đồng thời đầu tư mạnh cho hạ tầng AI, tăng cường hợp tác ba bên giữa doanh nghiệp – trường đại học – nhà nước. Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa khả năng sẵn sàng và năng lực triển khai thực tế.

Các công ty như Var Meta Technology được kỳ vọng đóng vai trò dẫn dắt hệ sinh thái công nghệ trong nước. Thay vì phát triển đơn lẻ, các startup này cần xây dựng sản phẩm mở, có khả năng kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp khác phát triển nội lực, từ đó tạo nên một cộng đồng có chiều sâu công nghệ.

Nếu định hướng chiến lược được duy trì xuyên suốt, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu ba giai đoạn: từ 2025–2026 hình thành trung tâm ứng dụng thực tiễn về AI – Blockchain trong khu vực ASEAN; đến 2027–2028, SME Việt Nam trở thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ đáng tin cậy; và giai đoạn 2029, thương hiệu “Made in Vietnam” gắn liền với hiệu quả vận hành bằng công nghệ cao.

“Đã đến lúc Việt Nam chuyển từ vị thế người dùng công nghệ sang vai trò người kiến tạo giải pháp. Nếu biết khai thác đúng thời điểm và đúng cách, AI kết hợp Blockchain sẽ trở thành đòn bẩy chiến lược giúp Việt Nam bứt phá, ghi tên mình trên bản đồ số toàn cầu”, ông Dũng kết luận.