2025-06-04 10:49:21

Đại biểu Quốc hội lo ngại việc người trồng giá đỗ dễ dàng mua hóa chất

(NS) - Tại phiên thảo luận dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi sáng 4/6, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về thực trạng hóa chất đang được sử dụng tràn lan trong đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm. Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, việc người sản xuất giá đỗ dễ dàng tiếp cận và sử dụng hóa chất cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý.

Bà Nguyễn Thanh Hải dẫn ví dụ về việc giá đỗ được ngâm, tẩm hóa chất để tăng năng suất và hình thức bắt mắt, trong khi nguồn gốc hóa chất lại khó kiểm soát. “Câu hỏi đặt ra là tại sao người sản xuất lại có thể mua hóa chất một cách dễ dàng như vậy?”, bà đặt vấn đề, cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở ý thức người dân mà còn ở sự thiếu chặt chẽ trong phân công, giám sát giữa các cơ quan quản lý.

Lo ngại của bà Hải được đặt trong bối cảnh nhiều vụ việc sử dụng hóa chất trong sản xuất giá đỗ bị phát hiện thời gian qua. Gần đây nhất, tháng 4/2025, Công an TP Vinh đã bắt giữ 4 chủ cơ sở sản xuất, bị cáo buộc sử dụng "nước kẹo" chứa hóa chất cấm để ngâm 3.500 tấn giá đỗ. Trước đó, tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng cũng đã khởi tố các đối tượng sử dụng chất cấm 6-Benzylaminopurine để sản xuất 8-10 tấn giá đỗ mỗi ngày. Đây là loại hóa chất giúp giá đỗ mập, ngắn rễ, đẹp mắt, nhằm tăng lợi nhuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội

Theo bà Hải, tình trạng hóa chất không rõ nguồn gốc không chỉ xuất hiện trong sản xuất giá đỗ mà còn phổ biến trong việc bảo quản hoa quả. Bà cho biết đã từng tự thí nghiệm với một số loại trái cây mua tại siêu thị, để bên ngoài trong nhiều tháng mà không hỏng. “Hoa quả ngày xưa chỉ cần để vài ngày là đã bị ruồi bâu. Bây giờ ngâm hóa chất đến ruồi còn không muốn đến gần”, bà nói và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Từ thực tế đó, bà đề nghị Luật Hóa chất sửa đổi cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bộ ngành trong việc quản lý hóa chất, nhất là hóa chất dùng trong thực phẩm và nông nghiệp. Đồng thời, cần có một đầu mối chịu trách nhiệm chính để không xảy ra tình trạng chồng chéo như hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, hóa chất không chỉ là các chất độc hại mà còn bao gồm chất phụ gia, phân bón, thuốc trừ sâu – những thứ mà người nông dân sử dụng hàng ngày. Vì vậy, việc quản lý hóa chất tại Việt Nam cần được thực hiện chặt chẽ hơn, đặc biệt là với các loại hóa chất không rõ nguồn gốc hoặc có nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh cần đơn giản hóa thủ tục hành chính như cấp chứng chỉ tư vấn hóa chất, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hóa chất theo đúng nguyên tắc kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – cơ quan thẩm tra dự luật, lần sửa đổi này hướng đến quản lý hóa chất trong toàn bộ vòng đời, từ khi được tạo ra hoặc nhập vào Việt Nam, đến sử dụng và xử lý. Đặc biệt, với những hóa chất nằm trong danh mục kiểm soát đặc biệt, tổ chức cá nhân phải đăng ký mục đích sử dụng trên cơ sở dữ liệu quốc gia, áp dụng công nghệ số để giám sát.

Một điểm đáng chú ý là hiện một loại hóa chất có thể được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều bộ ngành. Điều này khiến doanh nghiệp có thể lợi dụng để khai báo không trung thực, lựa chọn cơ chế kiểm soát dễ hơn. Do đó, thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ nghiên cứu giao một cơ quan đầu mối thống nhất trong quản lý hóa chất đặc biệt.

Dự kiến, dự án Luật Hóa chất sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 14/6 tới.