2025-05-23 09:55:18

Thông báo trước khi thanh tra – Kẽ hở khiến hàng giả lọt lưới?

(NS) - Việc thanh tra hàng giả nhưng lại thông báo trước cho đối tượng bị kiểm tra đang khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả thực chất của công tác này. Nhiều ý kiến cho rằng đây là kẽ hở lớn khiến vi phạm dễ dàng che giấu, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm niềm tin của người dân.

 

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa ngày càng phức tạp, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, hoạt động thanh tra – kiểm tra lẽ ra cần được tiến hành nghiêm túc, bất ngờ và hiệu quả. Thế nhưng, quy trình hiện hành lại yêu cầu các đoàn thanh tra phải lập kế hoạch công khai từ đầu năm, thậm chí gửi thông báo trước đến đối tượng bị thanh tra. Điều này đang trở thành "đòn gió" vô hình, khiến nhiều sai phạm kịp thời tẩu tán chứng cứ, đối phó, hợp thức hóa hành vi.

Thanh tra hàng giả nhưng lại báo trước thì khác gì truy quét tội phạm mà đăng bài thông báo trước? Làm vậy chẳng khác nào tạo điều kiện cho họ tiêu hủy bằng chứng vi phạm” – độc giả Anhphamaag bức xúc.

Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất – kinh doanh vi phạm có thể nhanh chóng “thay áo” cho hàng hóa, che giấu sản phẩm sai phạm chỉ trong vài giờ, khi có tin báo thanh tra sắp đến. Tình trạng “thanh tra đến đâu, hàng giả biến mất đến đó” đang diễn ra phổ biến. Việc mất đi yếu tố bất ngờ không chỉ làm giảm hiệu lực pháp luật mà còn khiến công tác thanh tra trở thành hình thức, kém hiệu quả.

Thanh tra thị trường cần minh bạch và hiệu quả.

 

Nếu chưa làm mà đã thông báo công khai thì chẳng khác gì ‘rung chà cá nhảy’. Chúng ta cần thanh tra thường xuyên, liên tục, không làm kiểu chiến dịch ‘cao điểm rồi thôi’” – bạn đọc Vuhuytatc chia sẻ.

Không ít ý kiến từ người dân đã nêu rõ những phương án đổi mới cách thức thanh tra hiện nay. Độc giả Azzurri cho rằng cần loại bỏ hình thức công khai kế hoạch thanh tra theo Sở, thay vào đó là các tổ công tác nhỏ, mặc thường phục như người tiêu dùng, đến mua hàng hóa tại siêu thị, nhà hàng, cửa hàng thực phẩm…

Sau đó đem hàng về kiểm nghiệm, lưu trữ hóa đơn làm bằng chứng. Khi phát hiện vi phạm, gửi ngay kết quả kiểm nghiệm và hóa đơn cho cơ sở. Làm vậy thì họ không thể chối cãi được.”

Cách làm này không mới. Nhiều quốc gia phát triển đã áp dụng hiệu quả mô hình “kiểm tra ngẫu nhiên dưới vai người tiêu dùng”. Theo bạn đọc Sông Đông, đây là hình thức sát thực tế, phản ánh đúng chất lượng hàng hóa mà người dân đang sử dụng:

Nếu để doanh nghiệp tự mang sản phẩm đi kiểm định rồi báo cáo thì làm sao đảm bảo hàng kiểm định đó giống hàng đang bán ngoài thị trường?”

Cần cơ chế thanh tra độc lập, minh bạch

Nhiều độc giả cho rằng, để giải quyết triệt để vấn nạn hàng giả, Việt Nam cần thiết lập các đoàn thanh tra độc lập, không phụ thuộc địa phương, chịu trách nhiệm trực tiếp trước lãnh đạo tỉnh, thành phố. Các tổ này cần phối hợp chặt chẽ với công an kinh tế, y tế, và không bị ràng buộc bởi lịch trình thanh tra cứng nhắc.