2022-04-03 18:21:03

TP. Hồ Chí Minh cần kiên quyết xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường tại Khu dân cư

(NS) - Thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều công văn, Quyết định yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường, đời sống dân sinh. Điều này mang đến tia hy vọng “thoát” ô nhiễm khí, rác thải cho bà con sinh sống trong những “điểm nóng” về môi trường tại TP. Hồ Chí Minh như ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12), ấp 2, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), quanh các khu dân cư, kênh, rạch…

Kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Theo đó, tại Công văn số 647/VPCP-NN ngày 26/1/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg chưa hoàn thành xử lý triệt để, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn lực, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, thu hút nguồn vốn xã hội hoá và các nguồn vốn hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật, để xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/12/2022, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân chây ỳ, chậm trễ trong việc thực hiện.

Cơ sở sản xuất dệt, nhuộm, hoá chất gây ô nhiễm môi trường trong KDC cần xử lý nghiêm, dứt điểm

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản quy định chi tiết, thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, xử lý nghiêm mọi tổ chức, cá nhân có hành vi gây ô nhiễm môi trường.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương có mật độ dân cư, dân số lớn nhất cả nước, luôn đi đầu với sự phát triển quy mô sản xuất lớn giúp thành phố (TP) có những bước phát triển nhanh trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một trong những bất cập hiện nay là TP vẫn tồn tại hàng nghìn cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nằm len lỏi trong các khu dân cư được coi là “điểm nóng” gây tác động xấu đến môi trường.

Được biết, thực hiện Nghị định 68 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN, TP. Hồ Chí Minh đã quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện chương trình di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có địa điểm di dời, cải thiện môi trường chung của TP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp từ khu vực nội thành ra ngoại thành. Nhưng thực tế chưa mấy hiệu quả, hiện tại nhiều khu dân cư vẫn cầu cứu vì bị ô nhiễm khí thải, rác thải, tiếng ồn bủa vây…

Không để vấn nạn môi trường “tấn công” người dân

Cuối tháng 3, trời Sài Gòn nắng nóng như đổ lửa, chỉ vài kilomet đường Phạm Văn Sáng (ấp 2, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) bụi cuốn mịt mù bởi xe container, xe tải chuyên chở hàng hoá chạy rầm rầm, còi đèn inh ỏi. Không chỉ vậy, hai bên đường san sát các công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với đa dạng ngành nghề như cơ khí, mộc, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, kho bãi, nguyên liệu sắt phế thải…, thi nhau hoạt động, tiếng cắt sắt, cưa gỗ inh tai.

Trao đổi với phóng viên tạp chí TN&MT, ông Sáu Tài (tổ trưởng tổ 12, xã Tân Thới Thượng, Hóc Môn) cho biết: “Từ năm 2002 đến nay, khu vực Ấp 2 như quy hoạch treo, nhiều bà con mua đất quanh đây nhưng không được cấp phép xây nhà, còn các công ty sản xuất thì vẫn tồn tại trong khu dân cư. Trong khu này ồn ào cả ngày, có khi kéo dài từ sáng đến 9 giờ tối, bởi nhiều công ty sản xuất đủ ngành nghề. Xe tải, container chở hàng ra vào các nhà máy, xưởng liên tục gây tiếng ồn, ô nhiễm, khói bụi và rất nguy hiểm”.

Không chỉ vậy, ngoài đường thì khói bụi, tiếng ồn, ô nhiễm… còn khi vào trong các ngõ xóm thì hít thở cùng mùi hoá chất, in, nhuộm, nước thải. Vừa đến đầu con đường dẫn vào kênh Bà Mẫn (thuộc tổ 12, ấp 2, Xuân Thới Thượng) mùi hoá chất, xen lẫn mùi hôi của kênh rạch xộc lên nồng nặc đến khó thở.

Một vị trí xả thải nước đổi màu, bốc mùi tại kênh Bà Mẫn

Anh Tưởng (người dân sống tại Ấp 2) cho hay: “Ở đây chúng tôi sống chung với ô nhiễm từ lâu rồi với đủ loại mùi hoá chất, nước thải, ngày nào cũng phải ngửi thành quen”.

Cứ đến hẹn lại lên, ngày nào cũng vậy, lúc 11 giờ trưa và 9 giờ tối nhiều công ty, cơ sở wash nhuộm phát tán khí thải, hoá chất, nước thải xả xuống kênh Bà Mẫn. Nhiều cuộc họp ở ấp, tôi đều phản ánh về vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực mình sinh sống, chỉ đích danh, nhưng mọi việc vẫn vậy”. Anh Tưởng bức xúc nói.

Được biết, kênh Bà Mẫn chạy liên xã qua Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Bà Điểm… có nhiều cơ sở, công ty nhuộm, in, wash quần áo jean… xả thải trực tiếp ra con kênh này, dẫn tới ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với màu nước đen kịt và bốc mùi. Có thời điểm nước kênh còn đổi màu liên tục, không còn con cua, cá nào sống nổi.

Còn tại “điểm nóng” thuộc khu phố 4, khu phố 5 (P. Đông Hưng Thuận, Q.12), nơi đây từng có hơn 40 cơ sở sản xuất dệt, nhuộm, cơ khí, thực phẩm gây ô nhiễm môi trường. Dù hiện tại 16 cơ sở đã di dời vào Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (huyện Bình Chánh), các cơ sở khác thực hiện các biện pháp khắc phục, nhưng vẫn còn những cơ sở bám trụ ở khu dân cư ( KDC) tiếp tục gây ô nhiễm môi trường.

Chị Đỗ Ngọc Hân (ngụ hẻm 44, KP4, Đông Hưng Thuận) cùng nhiều bà con nơi đây, bức xúc: “Hiện tại dân cư chúng tôi vẫn bị ảnh hưởng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, môi trường từ các công ty sản xuất trong khu phố. Khoảng 4-5 giờ chiều là bị “tra tấn” bởi mùi như thuốc súng. Nhà tôi đóng kín cửa suốt mà bàn ghế, nền nhà, tường rào, sau một ngày bụi đen bám đầy, vừa mùi, vừa bụi khó chịu lắm. Bệnh viêm mũi, viêm đường hô hấp thành mãn tính luôn, năm nào cũng mong chờ di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi KDC để bớt gây ô nhiễm môi trường mà sao khó quá”.

Bờ kênh Tham Lương thuộc KP4, KP5 (P. Đông Hưng Thuận) rác thải chất đống bốc mùi hôi thối

Bên cạnh đó, người dân nơi đây đang mong chờ bờ kè kênh Tham Lương được cải tạo sạch sẽ thoáng mát, trong lành theo như kế hoạch của TP. Thế nhưng, hiện tại đoạn bờ kênh thuộc khu phố này có nguy cơ thành bãi chứa rác?!

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết Luật, đã bổ sung, quy định rõ các giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, nhất là môi trường không khí, môi trường nước; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị, các khu vực tập trung dân cư, xử lý nước thải tại chỗ tại các hộ gia đình, KDC chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung….Do đó, người dân vẫn đang mong chờ những quyết sách của TP thực thi các quy định về xử lý ô nhiễm môi trường tại KDC một cách nghiêm minh, tránh tình trạng đem ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác, doanh nghiệp đối phó, lén lút xả thải, giải quyết vấn nạn về môi trường, ổn định đời sống dân sinh.

“Vấn đề cốt lõi đó là ý thức con người, chủ doanh nghiệp sản xuất. Họ có vì cộng đồng hay chỉ vì lợi nhuận, không xử lý chất thải sản xuất trước khi thải ra môi trường, hoặc sử dụng nguyên liệu không an toàn cho môi trường và sức khoẻ người tiêu dùng… TP cần mạnh tay buộc những cơ sở sản xuất độc hại như thuốc trừ sâu, hóa chất, chất tẩy rửa ra khỏi KDC. Cơ sở sản xuất hàng thông dụng không ảnh hưởng môi trường có thể cho tồn tại, nhưng phải thay đổi công nghệ và kỹ thuật sản xuất mới.

Song song đó, chính quyền TP cần có chính sách hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi mua trang thiết bị, máy móc mới, có thể cử các chuyên gia kỹ thuật đến tư vấn và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền “xanh hoá” trong sản xuất các ngành nghề, làng nghề, đặc biệt là nghề liên quan hoá chất, dệt nhuộm, thực phẩm. Sử dụng nguyên vật liệu an toàn, sản xuất an toàn, ý thức an toàn”.

(PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Uỷ viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kinh tế - Môi trường (thuộc Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh).

Quỳnh Hương – Nguyễn Kiên