2025-06-12 10:44:28

Mỹ chỉ trích nhóm 5 nước trừng phạt hai bộ trưởng Israel vì phát ngôn về Gaza

(NS) - Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 10/6 công khai chỉ trích động thái của một nhóm quốc gia phương Tây, trong đó có Anh và Canada, khi những nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai bộ trưởng Israel do những phát ngôn và hành động liên quan đến chiến sự ở Gaza.

"Những lệnh trừng phạt này không giúp ích gì cho các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, đưa toàn bộ con tin trở về và chấm dứt chiến sự. Chúng tôi nhắc các đối tác đừng quên ai mới là kẻ thù thực sự. Mỹ kêu gọi rút lại các lệnh trừng phạt và thể hiện sự đoàn kết với Israel", ông Rubio tuyên bố trong một cuộc họp báo.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Anh, Na Uy, Canada, Australia và New Zealand công bố loạt biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir và Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich. Lý do được nêu là hai quan chức này đã "kích động bạo lực cực đoan" và vi phạm nghiêm trọng nhân quyền của người Palestine. Các biện pháp bao gồm đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào các quốc gia kể trên.

Đại sứ Mỹ tại Israel Mike Huckabee cũng lên tiếng chỉ trích, gọi động thái của nhóm quốc gia trên là "sự làm quá không thể hiểu nổi", đồng thời cảnh báo Washington sẽ có "phản ứng thích hợp".

Ông Ben-Gvir và ông Smotrich là hai trong số những nhân vật có quan điểm cứng rắn nhất trong chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Họ ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp tục các chiến dịch quân sự tại Gaza và chính sách mở rộng định cư của người Do Thái tại Bờ Tây – những quan điểm bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Cả hai từng kêu gọi "cuộc di cư tự nguyện của người Palestine" khỏi Gaza và tái lập các khu định cư Do Thái tại khu vực này.

Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters ngày 11/6 nêu rõ việc áp đặt trừng phạt không nhằm vào người dân Israel hay chính phủ nước này, mà là nhắm vào những hành vi bị cho là phá hoại hòa bình và an ninh. "Hành động của chúng tôi hôm nay không phải chống lại người dân Israel, những người đã chịu đựng nỗi đau lớn trong vụ tấn công ngày 7/10/2023, mà là phản ứng trước những phát ngôn và hành động cố tình phá hoại tiến trình hòa bình", ông Peters nói.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Đồi Capitol ngày 20/5. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Israel Gideon Sa'ar gọi các biện pháp trừng phạt là "sự xúc phạm", đồng thời thông báo chính phủ Israel sẽ họp vào đầu tuần tới để đưa ra phản ứng chính thức.

Chiến sự tại Gaza hiện vẫn đang tiếp diễn trong bối cảnh căng thẳng kéo dài giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas. Trong khi đó, các hành động của Israel tại Bờ Tây – khu vực bị quân đội Israel chiếm đóng sau cuộc chiến Trung Đông năm 1967 – tiếp tục gây tranh cãi. Mặc dù Tel Aviv cho rằng đây là "khu vực tranh chấp", cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc đều xem Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza là những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Israel rút quân khỏi Gaza năm 2005, nhưng hiện vẫn kiểm soát chặt chẽ khu vực này từ bên ngoài. Hamas đã kiểm soát nội bộ Dải Gaza kể từ năm 2007. Tính đến nay, có hơn 100 khu định cư của người Israel được xây dựng tại Bờ Tây, nơi sinh sống của hơn 500.000 công dân Israel, và là một trong những điểm nóng chính trị gây chia rẽ sâu sắc trên trường quốc tế.