Nghệ thuật may trang phục của người Sán Chỉ và Dao Thanh Phán trở thành di sản văn hóa quốc gia
(NS) - Quảng Ninh – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công nhận nghệ thuật may trang phục truyền thống của người Sán Chỉ và người Dao Thanh Phán là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản của tỉnh lên 19.
Hai cộng đồng dân tộc thiểu số này không chỉ lưu giữ kho tàng tri thức dân gian phong phú mà còn góp phần làm nên sự đa dạng trong bức tranh bản sắc văn hóa Quảng Ninh.
Chiếm khoảng 12% dân số Quảng Ninh, người Sán Chỉ sinh sống chủ yếu tại TP Móng Cái, Bình Liêu, Tiên Yên và Đầm Hà. Trang phục truyền thống của người Sán Chỉ tuy không rực rỡ như nhiều dân tộc khác nhưng lại toát lên vẻ mộc mạc, gần gũi, gắn liền với sinh hoạt thường ngày trên vùng núi đồi Đông Bắc.
Nam giới mặc áo chàm có hai túi rộng, phối với quần dài cạp chun, ống rộng – tiện lợi cho lao động và di chuyển địa hình đồi núi. Phụ nữ mặc váy chàm, áo xanh, có thể khoác thêm áo chàm hai mảnh dài ngang váy. Họ vấn tóc, đội khăn đen và thường đeo vòng cổ, vòng tay bằng bạc.
Để hoàn thiện bộ trang phục, người phụ nữ Sán Chỉ phải trải qua nhiều công đoạn như nhuộm vải, cắt may, thêu thùa... Tất cả đều yêu cầu sự tỉ mỉ và kỹ năng truyền đời, thể hiện nét đẹp vừa mềm mại vừa bền bỉ của văn hóa dân tộc.

Cộng đồng người Dao Thanh Phán chiếm khoảng 3% dân số tỉnh, cư trú tại các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà và TP Hạ Long. Trái ngược với sự giản dị của người Sán Chỉ, trang phục truyền thống người Dao Thanh Phán gây ấn tượng mạnh bởi sắc màu tươi sáng, hoa văn phong phú, thêu tay hoàn toàn từ sợi len màu.
Phụ nữ Dao mặc áo dài tay xẻ tà, áo mở ngực, tay áo viền vải đỏ kết hợp chỉ trắng. Trên ngực, tay áo, gấu váy là các họa tiết hình sóng nước, núi non, chữ Vạn, hoa hồi tám cánh... Tinh thần của ngũ hành được thể hiện rõ nét qua cách phối màu, khéo léo gửi gắm mong ước sinh sôi, thịnh vượng và sự che chở từ tổ tiên.
Điểm nhấn ấn tượng là chiếc mũ đội đầu – một cấu trúc hình vuông cao 30 cm, gồm hơn 100 mảnh vải thêu viền đỏ, lót xốp mềm, xếp chồng công phu. Trong lễ cưới, cô dâu còn đội thêm khăn thêu, buộc chỉ đỏ và hạt cườm để tăng sự trang trọng.
Nam giới mặc đơn giản hơn, với áo ngắn hằng ngày và áo dài chàm hoặc nâu khi đi lễ, vẫn đảm bảo truyền thống và tính ứng dụng.
Nghệ thuật làm trang phục của người Dao Thanh Phán đòi hỏi tay nghề cao. Người thêu dùng kim to như cây tăm, dài 5 cm để khâu chỉ màu tạo hình sóng nước, sông núi – biểu tượng của sự sống và kết nối tâm linh. Kỹ năng này không có sách vở mà được truyền miệng từ đời này sang đời khác, là thước đo văn hóa và sự trưởng thành của người phụ nữ Dao.
Việc công nhận nghệ thuật may trang phục người Sán Chỉ và người Dao Thanh Phán là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự ghi nhận giá trị lịch sử và văn hóa, mà còn mở ra hướng đi mới trong bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần người dân vùng cao Quảng Ninh.
Link bài gốcCoppy
https://vnexpress.net/nghe-thuat-may-trang-phuc-cua-nguoi-san-chi-thanh-di-san-van-hoa-4895116.html