2022-04-26 00:38:04

Phát triển kinh tế số cần giải pháp đột phá

(NS) - Nhằm bắt kịp với xu thế của thế giới việc thực hiện chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh bùng nổ của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện kinh tế số tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản vướng mắc và cần những giải pháp mang tính đột phá.

Phát triển kinh tế số có mục tiêu là việc tạo tăng trưởng dựa trên yếu tố đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số, trở thành một trong những phương thức phát triển chủ đạo mới để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, thích ứng và kiên cường trước các thách thức trong thế giới nhiều biến động khó dự báo trước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia hiện nay kinh tế số tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch, được phát triển dựa trên các nền tảng có sẵn của thế giới. Ông Nguyễn Thế Quang, Phó cục trưởng cục Thương mại điện tử- Kinh tế số (Bộ Công thương) thông tin, khó khăn nhất hiện nay chính là nhận thức ở nhiều góc độ và cấp độ khác nhau. Ví thể như nhận thức của tầm lãnh đạo từ trên xuống dưới để thay đổi từ truyền thống sang số hóa, tiếp đến là tư duy về quy trình quản lý, từ nhà nước đến doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa)

Trên thực tế, Việt Nam chưa có khả năng cạnh tranh với các nền tảng thương mại lớn của các công ty đa quốc gia và Việt Nam cũng mới chỉ tập trung vào nền tảng thương mại điện tử. Bởi vì, chuyển từ truyền thống sang một lĩnh vực mới thì từ chính sách đến quy định đều có những thứ chưa phù hợp.

Theo đó để chuyển đổi và phát triển kinh tế số trong bối cảnh chung của thế giới cần lộ trình và cần giải pháp đột phá. Theo ông Quang thì trước hết cần xóa bỏ những rào cản trong cơ chế đầu tư ứng dụng trong công nghệ thông tin dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi triển khai dự án. Bởi lẽ, nhiều hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến chỉ mang tính hình thức... thiếu dữ liệu số.

Quyền riêng tư trong môi trường công nghệ số chưa được bảo vệ, vấn nạn thông tin giả, không chính xác… còn tồn tại nhiều cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Sự gắn kết giữa các ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách thủ tục hành chính, phương thức làm việc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân chưa được chú trọng. Hơn nữa, sự tham gia của khu vực tư nhân trong xây dựng Chính phủ điện tử vẫn chưa được đề cao...

Bên cạnh đó, cần xây dựng hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Phát triển nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch. Phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Minh Tín