2022-04-03 17:48:03

Bài 2: Bao giờ Khu công nghiệp Cát Lái mới “xanh hoá”?

(NS) - Theo định hướng của Chính phủ, thí điểm phát triển các KCN truyền thống dịch chuyển sang mô hình KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế và đã được thể chế hóa tại nghị định 82/2018/NĐ-CP, thu hút dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, gắn kết hoạt động công nghiệp với bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc hướng đến “xanh hóa” tại các Khu kinh tế, KCN trên cả nước nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nói riêng luôn là mục tiêu hàng đầu.

Thực trạng KCN Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) nhiều năm qua tốn không ít giấy mực phản ánh của báo giới. Song cho đến nay, công tác cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo an ninh, an toàn môi trường tại KCN Cát Lái dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Giải pháp nào để “xanh hoá” Khu công nghiệp (KCN) đúng nghĩa, thu hút đầu tư, chánh lãng phí đất công?

Không đảm bảo an toàn tại KCN...

Khu công nghiệp (KCN) Cát Lái toạ lạc trên đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), vị trí đầu mối các tuyến giao thông đường bộ trọng điểm và liền kề các cảng lớn của TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. KCN do Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ công ích Quận 2 (Công ty công ích Quận 2) trực tiếp quản lý, hoạt động từ năm 2003, với tổng diện tích đất toàn khu 136,95 hecta.

Từ lợi thế nằm trong trung tâm công nghiệp lớn nhất phía Nam, giải quyết đáng kể nhu cầu thuê đất KCN ở khu vực phía Đông TP. Hồ Chí Minh, được đánh giá cao về khả năng phát triển khi dự án cầu Cát Lái nối liền TP. Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) được phê duyệt. Hiện tại, KCN Cát Lái được cho có sức hút lớn nhờ khả năng kết nối lý tưởng với các dự án KCN, Cụm công nghiệp (CCN), KCN hỗ trợ trong khu vực…

Tuy nhiên, trước đây báo chí từng phản ánh nhiều về việc người dân sống gần KCN Cát Lái bức xúc việc KCN này tồn tại hàng chục bãi xe không phép hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, gây nên nhiều hệ lụy như tắc đường, các tuyến đường bị cày nát bởi xe quá tải, khói bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường… Điều này không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động của KCN Cát Lái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân quanh khu vực.

KCN Cát Lái lưu thông ra trục đường chính Nguyễn Thị Định nhưng không có cổng chào, bảng biển, hàng rào che chắn bỏ phế, hư hỏng

Bên cạnh đó, trao đổi với báo chí, đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất (KCX) và Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) từng cho biết, nhiều doanh nghiệp cũng xác nhận, cơ sở hạ tầng của các KCN – KCX thành phố đã xuống cấp nghiêm trọng. Tại KCN Cát Lái, tình trạng ngập nước và mất an ninh trật tự ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến sản xuất của doanh nghiệp.

Mới đây, phóng viên đã khảo sát và ghi nhận thực tế tại KCN Cát Lái cho thấy, tình trạng an toàn, an ninh và môi trường tại KCN Cát Lái đúng là chưa đảm bảo. Đặc biệt, KCN không có cổng chính, không có rào chắn bảo vệ, không bảng biển chỉ dẫn, hướng dẫn, người dân thoải mái ra vào KCN...

Cách nhận biết KCN này chỉ thông qua một bảng màu xanh nhỏ, với dòng chữ “Khu vực KCN” được đặt tại đầu mỗi con đường, bảng danh sách cũ kỹ, bạc màu, chữ còn chữ mất... Bên trong KCN hạ tầng sập sệ, manh mún, thấy rõ sự xuống cấp. Nhiều xe container ra vào nhà máy, kho bãi cuốn theo khói bụi mù mịt, ồn ào, liên tục tắc nghẽn đường.

Nhiều các ngả đường lưu thông từ KCN ra trục đường chính cảng Cát Lái, hàng ngày có rất nhiều xe container và xe cộ lưu thông qua lại từ Sài Gòn về các hướng nhưng KCN không có hàng rào che chắn hoặc cảnh báo an toàn nào. Đặc biệt, đây cũng là cung đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, trộm cắp, tệ nạn…

Chia sẻ với phóng viên tạp chí TN&MT, bảo vệ của nhiều công ty sản xuất trong KCN đều cho rằng, KCN này từ nhiều năm nay không có cổng chính, người dân ra vào tự do, các công ty, kho xưởng tự bố trí bảo vệ trông coi, KCN cũng không có bảo vệ đi giám sát kiểm tra quanh KCN các khung giờ trong ngày, nên các công ty tự kiểm soát an ninh “của nhà ai - nhà nấy giữ”.

Nhiều tuyến đường trong KCN Cát Lái hoàn toàn không có cổng rào, không chốt trực bảo vệ, hướng dẫn

Được biết, Ban Quản lý các KCX và KCN TP đã có báo cáo gửi UBND TP về tiến độ triển khai các KCN gặp khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có kiến nghị UBND TP chỉ đạo Công ty công ích Quận 2 tiếp tục đầu tư hạ tầng KCN Cát Lái, đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải tập trung để phục vụ cho các dự án đầu tư mới và mở rộng tại KCN.

Bởi từ khi có chủ trương của Thành phố “Chuyển giao KCN Cát Lái trước khi cổ phần hóa Công ty công ích Quận 2 cho Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) quản lý, để chuyển đổi công năng thành Khu dịch vụ hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu, phục vụ cho hoạt động của cảng Tân Cảng - Cát Lái”, thì Công ty công ích Quận 2 đã tạm ngưng thực hiện kế hoạch đầu tư các hạng mục hạ tầng còn lại trong KCN, trong đó có nhà máy xử lý nước thải tập trung và vấn đề môi trường.

… cần định hướng phát triển bền vững

Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có sức hút vốn đầu từ FDI lớn nhất cả nước. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đây được xem là “điểm vàng” thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn từ các quốc gia trên thế giới.

Thực tế, năm qua giá trị sản xuất công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 32,3% sản lượng công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp khoảng 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. Để đầu tư lâu dài tại Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến công nghiệp hỗ trợ tại địa phương. Nắm bắt được yêu cầu này, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có kế hoạch xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh đang tổng rà soát tình hình hoạt động của các KCN – KCX trên địa bàn thành phố. Theo đó, đẩy nhanh cải thiện hạ tầng, đổi mới chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao. Đồng thời, triển khai nhanh những dự án đầu tư KCN – KCX mới kết hợp cải cách thủ tục hành chính nhằm “đón sóng” đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển mạnh vào Việt Nam. Tất cả đang tạo cơ hội rất lớn cho các dự án KCN phát triển, trong đó các KCN đã đi vào hoạt động, rõ ràng đang chiếm ưu thế rất lớn.

Hạ tầng bên trong KCN Cát Lái nhiều nơi đã xuống cấp trầm trọng, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường

Tuy nhiên, trước thực trạng nhiều KCN đầu tàu vẫn tồn tại cơ sở hạ tầng cơ bản thiếu tính chuyên nghiệp trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là sự an toàn, an ninh, trật tự trong khu công nghiệp, đơn cử như tại KCN Cát Lái.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thành phố nên rà soát, chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN xanh, tiệm cận đến tiêu chí KCN sinh thái và có tính đến hệ sinh thái bổ trợ gồm nhà lưu trú, trường học, trạm y tế… Đồng thời, đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch, hoặc chuyển đổi công năng các KCN không khả thi, hoạt động chưa hiệu quả. Quan tâm tới phát triển KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao nhưng đồng thời củng cố, nâng cấp, hoàn thiện một số KCN hiện hữu, đảm bảo đủ tiêu chuẩn KCN, tránh gây thất thoát, lãng phí khi khai thác tiềm năng, kinh tế không hiệu quả.

Từng được đánh giá cao về khả năng phát triển khi dự án cầu Cát Lái nối liền TP. Hồ Chí Minh với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) được phê duyệt, thế nhưng nhiều năm qua KCN Cát Lái không có sự đầu tư cơ bản, đảm bảo đúng tiêu chí của một KCN, hướng đến tính phát triển bền vững… Thế nên, đến bao giờ KCN Cát Lái mới “xanh hoá”?.

Nguyễn Kiên – Quỳnh Hương