2022-04-24 00:34:02

Những chiếc ghe “nghiêng ngả” dưới lòng sông khô đáy tại TP. Hồ Chí Minh

(NS) - Chợ nổi Kênh Tẻ hay chợ nổi miền Tây giữa Sài Gòn là khu chợ tự phát đã tồn tại từ rất lâu bên bờ sông Kênh Tẻ. Chạy dọc theo đường Trần Xuân Soạn (quận 7, TP. Hồ Chí Minh), tuyến sông này hiện tồn tại hàng trăm ghe thuyền tấp nập tại mé kênh, nhiều thương nhân đã gắn bó với bờ kênh này hàng chục năm qua để mưu sinh, kiếm sống trên những con thuyền nổi lênh đênh sông nước.

Điểm đặc trưng của khu chợ này là đầu mối để tập hợp, phân phối và vận chuyển trái cây bằng đường thủy từ các tỉnh miền Tây lên TP. Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, nơi đây cũng tồn tại một thực tế về vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực “chợ nổi” đang ở mức đáng báo động…

Phận nghèo trên những chiếc ghe

Trên chiếc ghe xập xệ, cũ kỹ, mái che bằng nilong, mảnh tôn chắp vá, một người phụ nữ lớn tuổi gương mặt đen đúa, đôi tay chai sần, nứt nẻ đang cặm cụi “chặt dừa”, bà Hai (60 tuổi, quê Bến Tre) trải lòng với phóng viên tạp chí TN&MT: “Ghe này là của ba mẹ chồng tôi để lại cho tôi mưu sinh, nó được 34 năm rồi, lâu nay tôi xem như của hồi môn, vì là nơi không chỉ che nắng che mưa cho cả gia đình, mà còn giúp vợ chồng tôi nuôi lớn 5 đứa con với bao vất vả”.

 Gia đình bà Hai và chiếc ghe cũ nát đã gắn bó với bờ Kênh Tẻ hơn 30 năm nay

Bà Hai thở dài nhớ lại những ngày các con còn nheo nhóc: “Vì cuộc sống khó khăn nên 5 đứa con  khi mới 7, 8 tuổi đã phải phụ cha mẹ kiếm sống. Hơn nửa chiếc ghe là chứa hàng trái cây, phần còn lại 7 con người chen chúc sinh hoạt. Ngày nắng thì chịu cái nóng như rang, ngày mưa giông gió là ghe tròng trành rung lắc, không ít lần thấp thỏm lo tính mạng cả nhà, nhưng vì mưu sinh nên phải tồn tại đến nay”.

Cách “nhà” bà Hai vài bước chân, ghe của vợ chồng chị Phượng (47 tuổi, quê Vĩnh Long) lọt thỏm giữa các ghe khác, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là nơi ở của hai vợ chồng chị hơn 10 năm nay tại khu chợ nổi này.

Chị Phượng chia sẻ: “Vợ chồng tôi chuyên bán mít và chuối, cũng chỉ tạm trang trải để nuôi 2 con ăn học. Vì ở tạm bợ nên không có địa chỉ đăng ký tạm trú tạm vắng, do đó các con phải ở quê với ông bà để đi học. Đường về quê chỉ mấy tiếng đồng hồ, mà nhiều khi thấy xa lắm, bước chân đi là tiền. Chúng tôi muốn rời sông lên bờ thuê nhà trọ, nhưng bán buôn kiếm từng bạc lẻ thế này hàng tháng trả tiền phòng trọ thì không thể dành dụm được đồng nào nuôi con”.

Ghe là nhà, rác thải sinh hoạt bà con thải trực tiếp xuống Kênh Tẻ không qua xử lý, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nơi đây

“Sống trôi nổi trên sông, làm ảnh hưởng giao thông và môi trường, tháng nào chúng tôi cũng đóng phạt vài trăm ngàn do “lấn chiếm lòng lề đường”. Bà con nơi đây cũng bị chính quyền nhắc nhở, đuổi và phạt hoài, nhưng vì cuộc sống khó khăn nên cứ “lì” ra thôi”. Chị Phượng cho biết.

Còn vợ chồng anh chị Cảnh - Phụng chuyên bán dừa, dứa, cam, quýt… mưu sinh tại chợ nổi này được 3 năm, vừa kịp đăng ký vào danh sách “dân xóm ghe”, thỏ thẻ: “Trước vợ chồng cũng làm công nhân nhưng tiền thuê nhà trọ, điện, nước và nhiều chi phí khác nên cả năm lao động tiết kiệm dành dụm nhưng không đủ lo cuộc sống, chưa kể khi đau ốm, nên đành đến đây tá túc bán buôn. Sống trên ghe đỡ tốn tiền phòng trọ, dù sinh hoạt thiếu thốn đủ thứ nhưng cũng phải cố gắng”.

Dù cuộc sống trôi nổi mưu sinh của bà con quanh năm trên ghe xuồng vô cùng thiếu thốn, lam lũ, trên bến dưới thuyền, nhưng họ chấp nhận vượt qua mọi khó khăn, sóng gió, chai lì với hoàn cảnh...

Nhếch nhác khu “chợ nổi”

Thực tế không thể phủ nhận, giữa lòng Sài Gòn có một xóm chợ mang đậm nét văn hoá “chợ nổi” miền Tây Nam Bộ, người mua, người bán tấp nập, những phận đời mưu sinh, tần tảo bán buôn phục vụ thực khách, hàng hoá trái cây, thực phẩm “nói không với hoá chất độc hại sức khoẻ”, an toàn cho người tiêu dùng, mùa nào thức nấy… Nhưng việc bán buôn và sinh sống luôn trên ghe thuyền đã kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng khi mọi rác thải từ hàng hoá và sinh hoạt trực tiếp đổ xuống con kênh.

Rác thải thành chất đống bốc mùi bên bờ Kênh Tẻ

Cơn mưa rào bất chợt ào xuống xua tan cái nóng oi bức của ngày đầu tháng 4, nhưng không đủ để xoá lấp đi mùi hôi nồng nặc do ô nhiễm rác thải từ dòng Kênh Tẻ bốc lên. Không chỉ thế, mỗi khi triều cường “rút” trơ đáy sông, cũng là lúc mùi xú uế bao trùm cả khu phố, làm nhếch nhác hình ảnh khu dân cư nơi này.

Trao đổi với báo chí về thực trạng ô nhiễm môi trường tại bờ Kênh Tẻ, cán bộ UBND phường Tân Thuận Tây (quận 7) từng cho biết, việc các ghe thuyền buôn bán và những xóm nhà nổi đã có ở dòng Kênh Tẻ này mấy chục năm nay, chủ yếu là người lao động từ các tỉnh miền Tây lên. Dù kênh rạch được giải tỏa nhưng theo những nếp cũ, nhiều ghe vẫn “cắm sào” tại đây để làm ăn sinh sống.

Triều cường “rút” trơ đáy sông, trơ rác, mùi xú uế bao trùm cả khu phố

UBND phường thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở họ trong việc sinh hoạt, giữ vệ sinh môi trường và không làm mất an ninh trật tự, kiên quyết không để phát sinh những căn nhà nổi di động, tàu thuyền neo đậu trái quy định. Đồng thời, hàng tháng UBND phường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra xử phạt những người buôn bán lấn chiếm dọc bờ Kênh Tẻ. Nhưng đến nay thì đâu vẫn vào đấy…

Thực tế, Chính phủ và Thành phố đã ban hành nhiều các quy định, thông tư, nghị định, chỉ thị về bảo vệ môi trường, chỉ đạo tuyên truyền đến từng địa phương, ấp, xã, tổ dân phố để thực hiện. Nhưng quan trọng vẫn là ý thức tự giác của mỗi người dân, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ là bảo vệ sức khoẻ của chính mình và cộng đồng.

Hương Nguyên – Nguyễn Kiên