2022-04-03 16:53:33

Bài 1: Cần điều kiện “xanh hóa” tại các khu kinh tế, khu công nghiệp

(NS) - Theo định hướng của Chính phủ, thí điểm phát triển các KCN truyền thống dịch chuyển sang mô hình KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế và đã được thể chế hóa tại nghị định 82/2018/NĐ-CP, thu hút dự án sản xuất công nghiệp và dịch vụ công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, gắn kết hoạt động công nghiệp với bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc hướng đến “xanh hóa” tại các Khu kinh tế, KCN trên cả nước nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nói riêng luôn là mục tiêu hàng đầu.

Tồn tại những khó khăn tại các KCN

TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam, nơi “thí điểm mô hình” Khu chế xuất (KCX), Khu công nghiệp (KCN) đầu tiên trên cả nước, nhằm thực hiện những mục tiêu góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Song song đó, thành phố cũng đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng gắn liền với chương trình đột phá phát triển hạ tầng giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, thành phố có đến 17 trong tổng số 19 KCX, KCN được thành lập đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh, mạnh của các doanh nghiệp đang lấp đầy các KCN như thời gian qua còn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức... làm ảnh hưởng tới tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững.

Trên địa bàn thành phố, nhiều địa phương vẫn còn những KCN dù đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng, hành lang, hàng rào che chắn, khoảng cách an toàn, điều kiện mảng xanh, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch KCN xen lẫn Khu dân cư (KDC), dẫn đến khoảng cách không an toàn, mất an ninh trật tự, rình rập nhiều mối nguy ngại… gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Trong đó, có cả ý thức của một số doanh nghiệp chưa cao, vẫn còn tình trạng vi phạm về bảo vệ môi trường, xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, bố trí nhà máy chưa hợp lý, hạn chế tác dụng điều hòa không khí và cảnh quan…

Qua khảo sát tại một số KCN trên địa bàn thành phố, phóng viên đã ghi nhận thực tế tại KCN Tân Thới Hiệp (quận 12), khu vực cổng chính tiếp giáp chợ Đông Quan và 2 cửa phụ vào KCN thông với đường HT12 và chợ Hiệp Thành không hành lang, không hàng rào che chắn, đông đúc người dân sinh sống liền kề với KCN, nhiều hàng quán bày bán, án ngữ, che khuất cả bảng hiệu KCN, xe vận tải hàng hóa thường xuyên ra vào hỗn loạn, tắc ngẽn…

Hàng rong bày bán tràn lan che lấp bảng hiệu và chiếm 2/3 phần cổng ra vào KCN Tân Thới Hiệp (Quận 12)

Đặc biệt, nhiều hộ dân sinh sống liền kề KCN phản ánh bị ảnh hưởng bởi hoá chất, mùi hương liệu, tiếng ồn từ các công ty sản xuất trong KCN gây nặng mùi, khó thở, ảnh hưởng sức khoẻ.

Còn tại KCN Tân Bình (quận Tân Bình) thì khó có thể phân biệt được đâu là KCN, đâu là KDC, vì trục đường Tây Thạnh là con đường chính dẫn vào KCN Tân Bình và toả đi nhiều hướng khác nhau giữa khu vực quận, huyện lân cận trong KCN và KDC.

Đặc biệt hơn, không có hành lang, không có khoảng cách che chắn, không có khuôn viên an toàn, xe cộ qua lại tấp nập, tình trạng ùn tắc, kẹt xe liên tục diễn ra. Không chỉ vậy, sự mất an toàn về môi trường, khí thải, tiếng ồn đối với KDC luôn bị ảnh hưởng trong nhiều năm qua.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Dũng (ngụ tại KP2, phường Tây Thạnh) từng cho biết, KCN này thuộc quận Tân Bình, trước đây chỉ có vài chục hộ dân, đất nơi đây chủ yếu trồng lúa, sau khi được Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập KCN Tân Bình thì những hộ có đất nông nghiệp tại địa bàn này được bồi thường với giá rẻ và kèm thêm một nền đất làm nhà ở tái định cư ngay trong KCN. Còn những hộ dân thuộc đất ở thì chưa giải tỏa đền bù, nên tình trạng đông đúc người dân sinh sống bên trong KCN là vậy.

“Mặc dù chính quyền địa phương đã thông báo những chủ trương của thành phố đối với các công ty, nhà máy đang hoạt động trong KCN Tân Bình không được tham gia sản xuất trong KCN, mà chỉ phát triển các dịch vụ thương mại như khu vui chơi, nhà trẻ, trường học các cấp…, nhưng hiện tại có nhiều công ty sản xuất thuỷ tinh, ván ép, giỏ sách… sử dụng hoá chất, sản sinh khí thải, rác thải lỏng, rắn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân” - ông Dũng cho biết thêm.

Cần có giải pháp quy hoạch tổng thể!

Tình trạng KCN nằm xen lẫn, rải rác trong KDC, không hàng rào che chắn, ô nhiễm môi trường và mất an ninh trật tự… là vấn đề thách thức trách nhiệm của cơ quan chức năng, vì việc di dời hay chuyển đổi hình thức hoạt động của KCN không dễ dàng.

Giải quyết bài toán quy hoạch phát triển bền vững, giải phóng KCN nằm cạnh, xen lẫn KDC là một thách thức lớn, bởi đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể phát triển KCN với quy hoạch đô thị và phân bố dân cư­, trong đó có cả ph­ương diện kinh tế, xã hội, tự nhiên và bảo vệ môi trư­ờng.

KCN Tân Bình nằm rải rác xen lẫn trong KDC, trục đường chính vào KCN luôn ùn tắc, kẹt xe

Điều kiện phát triển KCN trong lòng thành phố nói chung và trường hợp KDC trong KCN Tân Bình nói riêng là một tình trạng điển hình. Việc gây nên những hệ luỵ về môi trường và an toàn dân sinh đã quá rõ ràng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà – Trưởng khoa môi trường thuộc ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, tất cả những KCN thường có những KDC trong hoặc xung quanh KCN nhằm đáp ứng nhu cầu cho công nhân và người lao động. Tuy nhiên, cần xem xét KCN đó có nảy sinh những vấn đề môi trường ảnh hưởng đến khu vực KDC hay không. Đây là vấn đề đòi hỏi việc đánh giá chính xác về tác động môi trường và thực thi một cách nghiêm ngặt.

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Thanh Trực – Phó trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) từng cho biết, trong quyết định quy hoạch thành lập KCN, việc bố trí KCN phải nằm cách xa KDC là điều kiện đầu tiên. Đối với tính chất dự án của KCN khác nhau thì xây dựng những hành lang che chắn an toàn khác nhau và được lưu thông với KDC. Nhưng KCX thì bắt buộc phải có giới hạn tường rào, ranh giới để kiểm soát và nhận biết bằng nhãn quan.

Trước mắt, chủ trương yêu cầu doanh nghiệp phải có hướng chuyển đổi, thay đổi công nghệ, loại bỏ công nghệ lạc hậu để tránh gây ô nhiễm môi trường, từ đó nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ… Hepza đã có văn bản gửi chính quyền địa phương đề nghị kiểm soát chặt tại các điểm KCN này, kết hợp cơ quan chức năng tìm giải pháp giải quyết triệt để nhằm ổn định cho nhu cầu đời sống công nhân và người lao động.

Quy hoạch xây dựng KCN theo hướng phát triển bền vững, hội nhập quốc tế trong thời kỳ 4.0 phải đảm bảo hài hòa lợi ích, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường làm mục tiêu cao nhất… góp phần định hướng quy hoạch xây dựng các Khu kinh tế phát triển đồng bộ với hệ thống đô thị – nông thôn của Quốc gia.

Bộ Xây dựng đã ban hành thông tư số 22/2019/TT-BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong quy hoạch xây dựng KCN (bao gồm cả CCN), KCX và Khu Công nghệ cao (KCNC) (thay thế cho Quy chuẩn xây dựng QCVNXD 01:2008/BXD năm 2008), phải đảm bảo an toàn các yêu cầu về bảo vệ môi trường và hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh, tuân thủ các quy định chuyên ngành về khu vực bảo vệ và khoảng cách ly vệ sinh, an toàn giữa khu dân dụng (KDC, khu vực công cộng, công sở, trường học…) với xí nghiệp sản xuất. Đặc biệt, phải đảm bảo khoảng cách an toàn môi trường của các đối tượng gây ô nhiễm.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất xây dựng KCN, KCX và KCNC phải được quy hoạch phù hợp với tiềm năng phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược phát triển có liên quan của từng địa phương.

Quỳnh Hương – Nguyễn Kiên