2025-07-07 16:02:08

Thêm 6 vụ sai phạm nghiêm trọng vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo

(NS) - Sáng 7/7, tại phiên họp thường kỳ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã thống nhất đưa thêm 6 vụ việc nghiêm trọng vào diện theo dõi, chỉ đạo trực tiếp. Trong số này có nhiều vụ án phức tạp, liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ, làm giả tài liệu, gây thất thoát tài sản nhà nước và buôn bán thực phẩm giả.

Bốn vụ án được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gồm: vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung cùng các đơn vị liên quan; vụ án làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, đưa hối lộ và môi giới hối lộ tại Công ty Cổ phần Khoa học TSL và các tổ chức liên quan; vụ án vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, sản xuất và buôn bán hàng giả là thực phẩm xảy ra tại Công ty ZHolding – liên quan đến sản phẩm sữa HIUP 27 giả; và vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương và một số đơn vị, địa phương có liên quan.

Hai vụ việc khác cũng được Ban Chỉ đạo đưa vào diện theo dõi gồm: vụ việc có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế; vụ việc có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và đưa hối lộ xảy ra tại Công ty Khoa học và Công nghệ Avatek.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, sáng 7/7. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm là hoàn thành sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Phòng, chống tham nhũng cùng các luật liên quan. Các bộ ngành cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi trong thực thi pháp luật.

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hai dự án đầu tư bệnh viện trung ương; đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án năng lượng tái tạo, dự án chống ngập do triều tại TP HCM – những công trình có ảnh hưởng lớn đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.

Về công tác điều tra, Ban Chỉ đạo đề nghị tập trung xử lý dứt điểm các vụ án nghiêm trọng như vụ xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, dự án sân bay Nha Trang, cùng hai dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Song song đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu tăng cường giám sát và kịp thời ngăn chặn sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình bố trí, sắp xếp cán bộ và quản lý, sử dụng tài sản công trong và sau giai đoạn tinh gọn bộ máy.

Theo báo cáo tại phiên họp, từ đầu năm 2025 đến nay, các cơ quan tố tụng đã khởi tố hơn 1.770 vụ án với trên 4.000 bị can về các tội danh liên quan đến tham nhũng, kinh tế và chức vụ. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, đã có 7 vụ được kết luận điều tra với 127 bị can, 5 vụ đã được truy tố với tổng số 87 bị can.