2025-06-03 10:29:25

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Biểu tượng kiến trúc mở giữa lòng Hà Nội

(NS) - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – công trình kiến trúc hiện đại lấy cảm hứng từ nỏ thần An Dương Vương, kết hợp không gian mở, thiết kế bền vững và giá trị lịch sử – văn hóa sâu sắc. Dự án vừa đoạt giải cao nhất Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2024–2025, trở thành biểu tượng mới giữa lòng Hà Nội.

Được thiết kế theo lối kiến trúc mở, sáng tạo và đậm giá trị lịch sử - xã hội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa giành giải cao nhất tại Giải thưởng Kiến trúc quốc gia, khẳng định dấu ấn mới cho không gian văn hóa - quân sự giữa lòng thủ đô.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 9 km, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây dựng tại khu vực Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, trên diện tích 38,6 ha, thay thế cơ sở cũ tại hoàng thành Thăng Long. Dự án hướng đến một quần thể bảo tàng quy mô lớn kết hợp công viên cảnh quan, tạo sự gắn kết giữa bảo tồn lịch sử với phát triển đô thị.

Tháng 4/2025, công trình chính thức được trao Giải thưởng lớn – hạng mục cao nhất trong khuôn khổ Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2024-2025 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Đây là thành quả của nhóm kiến trúc sư đến từ Nikken Sekkei Ltd gồm Hiroshi Miyakawa, Trịnh Việt A, Michio Oizumi, Nguyễn Đình Đông và Gen Sugiyama.

Bảo tàng gợi nhắc nỏ thần An Dương Vương. Ảnh: Triệu Chiến
Bảo tàng gợi nhắc nỏ thần An Dương Vương. Ảnh: Triệu Chiến

Lấy cảm hứng từ nỏ thần An Dương Vương

Năm 2017, Nikken Sekkei (Nhật Bản) được lựa chọn là đơn vị thiết kế sau quá trình đánh giá năng lực nghiêm ngặt. KTS Trịnh Việt A cùng cộng sự đã tiến hành nghiên cứu sâu về lịch sử, văn hóa, bản sắc Việt Nam và đặc điểm quân sự nhằm đảm bảo thiết kế phù hợp với chức năng trưng bày. Ý tưởng kiến trúc xoay quanh ba yếu tố lãnh thổ: đất liền, biển và trời – tương ứng với lục quân, hải quân và không quân. Cấu trúc này không chỉ thể hiện vai trò bảo vệ chủ quyền mà còn truyền tải thông điệp về hòa bình và hội nhập quốc tế.

Ba phương án thiết kế đã được đưa ra. Phương án đầu tiên với các khối hộp vuông đan xen tạo nên "vườn zíc zắc", song bị đánh giá là thiên về phong cách phương Tây, thiếu bản sắc Việt. Phương án thứ hai lấy hình tượng bánh chưng - bánh giày giữa hồ nước, mang tính biểu trưng dân gian nhưng chưa phù hợp với chủ đề quân sự. Cuối cùng, phương án thứ ba - bảo tàng nằm trên đồi nhân tạo với hồ nước phía trước, được lựa chọn. Công trình mang hình dáng cánh chim dang rộng, biểu trưng cho khát vọng vươn xa. Các khối chức năng được bố trí tách biệt, tạo không gian linh hoạt, thông thoáng; khu hậu cần được đặt dưới đồi, tách biệt hoàn toàn với luồng khách tham quan. Hệ mái lớn bao phủ toàn bộ công trình, thích nghi tốt với khí hậu và thói quen sử dụng không gian của người Việt.

Thiết kế hình khối cuối cùng mang dáng dấp cánh cung, gợi liên tưởng đến nỏ thần An Dương Vương. Công trình được bố trí tại trung tâm khu đất, tối ưu hóa hệ thống giao thông nội bộ và đảm bảo tính kết nối với cảnh quan xung quanh. Hệ mái lớn không chỉ che chắn mà còn tận dụng ánh sáng tự nhiên và thông gió chéo, hướng tới tiết kiệm năng lượng.

Tháp Chiến thắng – điểm nhấn hiện đại

Tòa nhà chính của bảo tàng rộng hơn 23.000 m2, nổi bật ở lối vào là chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 có biệt danh "Én bạc", được treo trên các sợi cáp, tạo cảm giác như đang xuất kích chiến đấu. Ảnh: Giang Huy

Một điểm nhấn kiến trúc khác là Tháp Chiến thắng – thay thế cho hình ảnh cột cờ tại bảo tàng cũ. Lấy cảm hứng từ tà áo dài, tháp mang hình dáng mềm mại nhưng mạnh mẽ, vươn cao trên nền không gian hiện đại. Nhìn từ trên cao, công trình có hình ngôi sao năm cánh – biểu tượng quen thuộc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vị trí ban đầu được đặt tại khu tưởng niệm phía sau bảo tàng, nhưng sau đó được đưa ra quảng trường trung tâm để gia tăng tính nhận diện và tạo điểm nhấn không gian.

Trong suốt gần hai năm, nhóm kiến trúc sư Nikken Sekkei, dưới sự dẫn dắt của KTS Trịnh Việt A, đã nhiều lần sang Việt Nam để báo cáo, lắng nghe phản biện và điều chỉnh thiết kế. Sau khoảng 10 lần điều chỉnh, phương án ba chính thức được lựa chọn và triển khai.

"Phương án này mang tính độc bản, không sao chép, phù hợp với điều kiện khí hậu, văn hóa và địa hình Việt Nam. Hệ mái lớn đóng vai trò trung tâm, vừa tổ chức không gian, vừa tiết kiệm năng lượng hiệu quả", ông Trịnh Việt A chia sẻ.

Thiết kế không gian trưng bày cũng được đầu tư kỹ lưỡng, đảm bảo tỷ lệ hài hòa và chiều sâu biểu tượng. Với diện tích hơn 20.000 m2, khu trưng bày kết hợp các cụm biểu tượng, khoảng trống hợp lý, tạo ra hành trình cảm xúc xuyên suốt. Đại sảnh được tổ chức với hai cụm trưng bày đối xứng như hai dòng chảy ngược chiều nhưng liền mạch: một bên tái hiện hành trình từ quá khứ đến hiện tại bằng hình ảnh vũ khí vỡ hợp thành đàn chim bồ câu – biểu trưng cho chuyển hóa từ chiến tranh sang hòa bình; bên còn lại là hướng nhìn về tương lai, với quả cầu hòa bình tỏa sáng giữa trung tâm.

Chiếc MiG-21 mang số hiệu 4324 – chiến cơ mang biệt danh "Én bạc" – được treo bằng hệ cáp đặc biệt ngay tại lối vào, tạo hiệu ứng như đang xuất kích. Nhiều hiện vật lớn khác như máy bay được trưng bày lơ lửng trong không gian, tăng chiều sâu thị giác và trải nghiệm tham quan.

Bảo tàng thế kỷ 21 – không gian công cộng bền vững

Khác với mô hình bảo tàng truyền thống mang tính khép kín, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đi theo xu hướng mở của thế kỷ 21: không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật mà còn là không gian công cộng, thân thiện với đô thị và người dân.

Thiết kế theo mô hình "tổ mối", bảo tàng cho phép người tham quan tiếp cận từ nhiều hướng, tự do khám phá, tăng tính tương tác và kết nối. Không gian bán mở kết hợp công viên, giúp khách vừa học tập, vừa thư giãn. Khoảng một nửa diện tích bảo tàng được thiết kế để tận dụng gió tự nhiên, tạo hiệu ứng "bẫy gió" điều hòa không khí quanh năm mà không cần sử dụng điều hòa.

Toàn bộ công trình sử dụng bêtông trần không sơn phủ hay ốp lát cầu kỳ, chỉ phủ lớp sơn thẩm thấu chống ẩm để đảm bảo độ bền và tạo nên ngôn ngữ kiến trúc thô mộc – bền vững – mang tính quân sự rõ nét.

Nhóm thiết kế được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao giải thưởng Kiến trúc Việt Nam. Ảnh: Hội Kiến trúc sư VN

"Chúng tôi không ngờ lượng khách tham quan lại lớn như vậy. Người đến không chỉ để xem hiện vật mà còn để trải nghiệm một không gian kiến trúc đặc sắc – nơi kết hợp giữa học hỏi, thư giãn và lòng tự hào dân tộc", KTS Trịnh Việt A nói.

Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia đánh giá đây là công trình quy mô lớn, thể hiện sự đầu tư nghiêm túc và tâm huyết của chủ đầu tư. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ đạt chất lượng về thiết kế và thi công mà còn mang đậm giá trị biểu tượng – giáo dục tinh thần yêu nước, tôn vinh lịch sử dân tộc qua ngôn ngữ kiến trúc đương đại.