Bị sứa tấn công khi tắm biển, người đàn ông đối mặt sẹo vĩnh viễn
(NS) - Hà Nội – Sau chỉ 15 phút tắm biển, một người đàn ông 42 tuổi cảm thấy chân nhói buốt như bị vật sắc cứa mạnh và bỏng rát. Anh phát hiện sứa bám chặt chân trái, gây ra những vết thương chằng chịt.
Việc gỡ sứa ra khỏi chân rất khó khăn. Ban đầu, anh cho rằng chỉ bị kích ứng nhẹ nên chỉ tắm lại bằng nước ngọt mà không xử lý thêm. Vài giờ sau đó, vùng chân nổi mẩn đỏ, bỏng rát, và anh tự mua thuốc về điều trị. Gần nửa tháng sau, tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
Khi đến khám bác sĩ Nguyễn Tiến Thành (Hội Da liễu Việt Nam), chân của bệnh nhân đã sưng tấy, phồng rộp, xuất hiện mụn nước, mủ, và đau lan rộng, kèm theo nhiều sẹo đỏ và cảm giác ngứa. Bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm da tiếp xúc bội nhiễm và sẹo phì đại do sứa biển.
Các xúc tu của sứa chứa các nang nematocyst. Khi tiếp xúc với da, chúng sẽ phóng thích các độc tố như protein, histamin, serotonin và enzym, gây viêm da, bỏng rát, phù nề hoặc nổi bóng nước. Chỉ cần tiếp xúc ngắn, da có thể phản ứng mạnh, thậm chí gây nổi mề đay toàn thân, khó thở, tụt huyết áp – đây là những dấu hiệu của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay lập tức.
Việc xử lý sai cách đã khiến tổn thương lan rộng, gây bỏng da và để lại sẹo thâm, sẹo phì đại vĩnh viễn. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc kháng viêm, thuốc bôi tái tạo da, đắp dung dịch và chiếu laser để giảm sưng nề, giảm ngứa. Anh cũng được hướng dẫn tránh nắng ít nhất 10 ngày. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thành, da cần vài tháng mới có thể phục hồi hoàn toàn.
.jpg)
Nhiều người thường có thói quen rửa vết thương do sứa chích bằng nước ngọt, chà xát hoặc dùng đá lạnh. Tuyệt đối không nên làm vậy, vì những hành động này sẽ khiến các nang độc tố còn sót lại trên da vỡ ra, giải phóng thêm nọc độc và làm tình trạng tổn thương trở nên nặng hơn. Cách xử trí đúng là giữ bình tĩnh, không cào gãi hay chà xát mạnh; có thể rửa nhẹ vùng da bằng nước biển sạch nếu không còn lựa chọn nào khác.
Giấm trắng (axit acetic) là lựa chọn an toàn để bất hoạt độc tố của một số loại sứa. Sau khi sơ cứu, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được đánh giá và điều trị kịp thời.
Bác sĩ cho biết, gần đây các bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp bị sứa chích, đặc biệt là từ tháng 4 đến tháng 9, trùng với thời điểm cao điểm du lịch biển. Để phòng tránh, người dân nên quan sát kỹ biển trước khi bơi. Tránh xuống nước khi biển có bọt trắng, vệt màu lạ hoặc nhiều sinh vật nhỏ trôi nổi. Nên mặc áo bơi dài tay, bơi gần bờ và sau khi tắm biển cần tắm lại bằng nước sạch càng sớm càng tốt để loại bỏ cặn muối và sinh vật bám dính.
Link bài gốcCoppy
https://vnexpress.net/sua-tan-cong-de-lai-seo-vinh-vien-4891806.html