Malaysia đối mặt làn sóng không sinh con, cảnh báo khủng hoảng nhân khẩu học
(NS) - Số lượng trẻ sơ sinh tại Malaysia tiếp tục giảm mạnh, phản ánh xu hướng ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn không sinh con vì áp lực tài chính và công việc, đẩy quốc gia 34 triệu dân vào nguy cơ khủng hoảng nhân khẩu học.
Theo dữ liệu do chính phủ công bố giữa tháng 6, Malaysia chỉ ghi nhận 93.500 ca sinh trong quý I/2025, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm đến 28% so với mức hơn 130.000 ca sinh đầu những năm 2000. Đây là con số thấp nhất từ trước đến nay.
Giới chức và các lãnh đạo tôn giáo bày tỏ lo ngại tình trạng này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng, khi tỷ lệ sinh tiếp tục suy giảm và dân số đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh chóng. Theo Tổng cục trưởng Thống kê Mohd Uzir Mahidin, chỉ có ba bang Terengganu, Kelantan và Pahang hiện ghi nhận tỷ lệ sinh cao hơn mức thay thế 2,1 con trên một phụ nữ – ngưỡng cần thiết để duy trì dân số ổn định. Trong khi đó, các khu vực thành thị như Kuala Lumpur và trung tâm công nghiệp Penang lại có tỷ lệ sinh thấp nhất cả nước.
Mức sinh dưới ngưỡng thay thế kéo theo nhiều hệ lụy lâu dài cho kinh tế và xã hội, bao gồm thiếu hụt lao động, áp lực an sinh xã hội và mất cân đối cấu trúc dân số.

Bộ trưởng Phụ nữ, Gia đình và Phát triển Cộng đồng Nancy Shukri dẫn khảo sát của chính phủ cho biết gần 87% người độc thân tại Malaysia chọn sống độc thân hoặc trì hoãn hôn nhân vì lý do tài chính và áp lực nghề nghiệp. “Đây là thách thức lớn cần sớm được giải quyết vì không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân mà còn đe dọa đến sự phát triển toàn diện của đất nước”, bà nhấn mạnh.
Quá trình già hóa dân số cũng đang gia tăng nhanh chóng. Dự kiến đến năm 2040, một số bang sẽ có gần 25% dân số trên 60 tuổi, do tuổi thọ trung bình tăng và làn sóng di cư ra nước ngoài của người trẻ để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Tại bang Sabah – một trong những khu vực nghèo nhất Malaysia – tỷ lệ sinh đã giảm từ 5,5 con/phụ nữ năm 1980 xuống chỉ còn 1,4 vào năm 2022. Việc dân số trẻ di cư nội địa sang bán đảo Malaysia hoặc ra nước ngoài tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng sụt giảm.
Trước diễn biến đáng lo ngại, các nhà lãnh đạo tôn giáo và giới chức chính phủ liên tục bày tỏ quan ngại. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo Mohd Na’im Mokhtar từng phát biểu hồi tháng 6 năm ngoái rằng việc sống không con là điều "không thể chấp nhận được" với người Hồi giáo Malay – nhóm chiếm gần 70% dân số. “Hôn nhân gắn liền với trách nhiệm. Đàn ông là người lãnh đạo, phụ nữ là người mẹ”, ông nhấn mạnh.
Hội đồng An ninh Quốc gia Malaysia cũng từng đưa ra tuyên bố hiếm hoi vào tháng 7/2024, cảnh báo rằng xu hướng sống không con có thể làm mất cân đối cấu trúc xã hội, gây ra căng thẳng giữa các nhóm dân tộc và tầng lớp kinh tế, dẫn tới nguy cơ bất ổn và khủng hoảng nội bộ trong tương lai.