2025-06-02 10:27:53

Chôn, đốt hay tái sinh? Cuộc chiến xử lý hàng chục nghìn tấn quần áo cũ mỗi năm ở Việt Nam

(NS) - Sau mỗi lần dọn nhà, nhiều người thường gom quần áo cũ để đem tặng hoặc từ thiện, với kỳ vọng những món đồ ấy sẽ tiếp tục được sử dụng. Thế nhưng, không ít trong số đó thực chất là rác – không thể mặc lại, không thể tái sử dụng – và cuối cùng bị bỏ vào bãi chôn lấp.

Khác với rác nhựa vốn đã có hệ thống phân loại và tái chế khá rõ ràng, quần áo cũ ở Việt Nam chưa có một chuỗi thu gom – xử lý – tái chế đồng bộ. Thói quen phổ biến là gom đồ cũ để từ thiện. Tuy nhiên, ông Nghĩa Nguyễn – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần REshare – cho biết, trong số quần áo mà công ty ông thu gom, lượng không thể sử dụng chiếm tỷ lệ đáng kể.

Là một trong số rất ít đơn vị xây dựng mô hình tuần hoàn khép kín trong ngành thời trang, từ thu gom đến tái chế, REshare ra đời năm 2022, xuất phát từ trải nghiệm thực tế của chính người sáng lập khi từng tự tay gom quần áo cũ để đi từ thiện. “Rác thời trang rất lớn về quy mô, tăng trưởng cao, nhưng chưa có lời giải toàn diện và mang tính hệ thống,” ông Nghĩa nhận định. Trung bình, cứ mỗi 10 tấn quần áo được thu gom, có khoảng 3–4 tấn không còn khả năng sử dụng.

Theo Liên Hợp Quốc, mỗi năm ngành thời trang toàn cầu thải ra tới 92 triệu tấn rác – tương đương một xe tải đầy quần áo bị thiêu hủy hoặc chôn lấp mỗi giây. Lối sản xuất tiêu dùng “tuyến tính” – tức sản xuất, tiêu thụ, rồi vứt bỏ – đang tạo ra áp lực khổng lồ lên môi trường. Quần áo không dễ phân hủy và thải ra lượng khí nhà kính lớn nếu bị đốt hoặc chôn.
 

Nghĩa Nguyễn tại nhà máy tái chế của đối tác ở Long An, tháng 9/2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Là trung tâm sản xuất lớn và cũng là thị trường tiêu thụ ngày càng tăng, Việt Nam không nằm ngoài áp lực. Theo Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), chỉ tính riêng rác thải trước tiêu dùng từ các nhà máy dệt may đã lên đến 250.000 tấn mỗi năm. Với rác sau tiêu dùng (quần áo đã qua sử dụng), ông Nghĩa Nguyễn ước tính TP.HCM xả thải khoảng 13.000 tấn mỗi năm – phần lớn bị đem chôn tại bãi rác.

Dù Việt Nam chưa có hệ thống tái chế liền mạch, nhiều doanh nghiệp, tổ chức và hãng thời trang đã tham gia vào từng khâu nhỏ để góp phần thu gom và giảm rác thải.

Ở khâu đầu tiên – thu gom, một số thương hiệu như Uniqlo triển khai chiến dịch Re.Uniqlo, kêu gọi khách hàng mang quần áo cũ (chỉ nhận đồ Uniqlo còn sạch và dùng được) để tặng lại người nghèo. Hãng thời trang Việt Boo tiếp nhận đa dạng hơn – bao gồm cả quần áo thương hiệu khác, tem mác và túi nilon. Đến nay, Boo đã thu gom được hơn 17.000 quần áo cũ, hơn 46.000 tem và nửa tấn túi nilon.

Tại Hà Nội, mô hình tủ đồ ký gửi của Công ty Glammie Việt Nam mỗi tháng nhận từ 25.000 đến 30.000 sản phẩm. Đơn vị này còn hợp tác với Greenlife trong các chương trình đổi đồ cũ lấy cây xanh.

Ở TP.HCM, REshare đặt hơn 40 trạm thu gom tại chuỗi bán lẻ như Biti’s, Decathlon, khu chung cư và văn phòng. Từ mức 1 tấn mỗi tháng, nay họ đạt 1 tấn mỗi ngày.

Sau thu gom, quần áo được phân loại kỹ lưỡng theo tiêu chí: độ mới, chất liệu, tính thời trang. Mô hình ký gửi như Glammie chỉ chọn hàng có khả năng bán lại cao, đảm bảo tỷ lệ bán thành công tối thiểu 70%. Những món không bán được sau 70 ngày sẽ trả về chủ hoặc đem tặng từ thiện. Đồ quá sờn, rách sẽ được gửi đến xưởng cơ khí làm giẻ lau công nghiệp.

Nguồn: Chỉ thị Quản lý Rác thải Liên minh châu Âu

REshare áp dụng quy trình khép kín:

  • 60–70% quần áo thu gom còn mặc được sẽ được số hóa trên website, bán lại tại các cửa hàng đồng giá 10.000 đồng, hoặc đem tặng.

  • 20–30% được đưa vào quy trình tái chế, chia theo 3 cấp:

    • Upcycle: nâng cấp thành sản phẩm mới giá trị hơn;

    • Recycle: tái chế ngang cấp (chủ yếu từ sợi sang sợi);

    • Downcycle: hạ cấp thành vật liệu giá trị thấp như bông mút, thảm trải sàn.

Tuy nhiên, GIZ cho biết hầu hết hoạt động tái chế tại Việt Nam vẫn là downcycle. Dù có 17 đơn vị tái chế dệt may quy mô lớn, phần lớn chỉ xử lý sợi polyester, bông hoặc polycotton. Khả năng tái chế sợi-sang-sợi trong nước còn hạn chế; phần lớn sợi polyester tái chế vẫn phải nhập khẩu.

Tại REshare, quy trình tái chế tiếp tục phân loại vải theo chất liệu (jeans, cotton, polyester), loại bỏ phụ kiện như cúc, khóa, rồi xẻ nhỏ thành vụn. Vải vụn được gửi tới đối tác như Tân Nam Trung, để tái chế thành găng tay bảo hộ, thảm, mút lót…

Nhãn

Khoảng 10% quần áo bị loại hoàn toàn (quá cũ, mục, bẩn, đồ lót, tất...) được gửi đến nhà máy xi măng của Insee (Thái Lan) để đốt thu hồi nhiệt.

REshare đặt mục tiêu mở rộng ra Hà Nội trong năm nay, nâng công suất lên 500 tấn (so với 270 tấn năm ngoái). Đồng thời, họ sẽ cho ra mắt sản phẩm gạch trang trí từ vải tái chế – minh chứng cho tiềm năng kinh tế tuần hoàn trong ngành thời trang.

Tuy nhiên, CEO Nghĩa Nguyễn nhấn mạnh: “Rác thời trang chưa được nhìn nhận là vấn nạn như túi nilon.” Ông kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi thói quen: mua hàng có trách nhiệm, chọn sản phẩm bền, dễ tái chế – thay vì theo đuổi giá rẻ, chất lượng thấp.

Bà Lê Thị Bích Ngọc, Giám đốc Glammie Việt Nam, chia sẻ quan điểm: “Thói quen tiêu dùng chính là rào cản lớn nhất trong nỗ lực giảm rác thời trang.” Theo bà, sự bùng nổ của thời trang nhanh (fast fashion) và thương mại điện tử khiến người dân mua sắm nhiều hơn khả năng sử dụng, biến quần áo trở thành “đồ dùng một lần”.

Cả hai nhà sáng lập đều khuyến nghị người dùng: mua ít hơn, chọn kỹ hơn, ưu tiên tái sử dụng, ký gửi hoặc đổi đồ thay vì vứt bỏ. Đồng thời, cần tránh tâm lý “săn sale”, mua theo cảm xúc và dọn tủ định kỳ để hình thành hành vi tiêu dùng có trách nhiệm.

Về phía doanh nghiệp, chuyên gia khuyến nghị tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng cao hơn, phù hợp với thị trường tái sử dụng và tái chế. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế nhận lại sản phẩm cũ – bước đi cần thiết trong hành trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững.