Điều chỉnh công năng tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long – Cái Lân, ưu tiên vận tải hành khách
(NS) - Tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được đề xuất điều chỉnh công năng từ vận tải hàng hóa sang chủ yếu phục vụ hành khách, với tốc độ thiết kế cho tàu khách lên đến 120 km/giờ.
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đơn vị này đang nghiên cứu báo cáo tiền khả thi cho dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân. Đây là dự án đã được triển khai từ năm 2004 nhưng bị đình hoãn từ năm 2011 đến nay.
Ban đầu, tuyến đường sắt được kỳ vọng phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ khu vực Vân Nam (Trung Quốc) tới cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Tuy nhiên, trong quy hoạch cảng biển mới, khu vực vận tải hàng hóa quốc tế đã được định hướng dồn về tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, kết nối tới cảng Lạch Huyện, khiến nhu cầu hàng hóa trên tuyến Yên Viên – Cái Lân giảm đáng kể.
Trong khi đó, hành lang kinh tế Hà Nội – Bắc Ninh – Hải Dương – Hạ Long hiện nay đã phát triển mạnh về du lịch và đô thị, kéo theo nhu cầu vận tải hành khách ngày càng tăng. Kết quả nghiên cứu của liên danh tư vấn chỉ ra rằng đến năm 2050, tuyến này sẽ phục vụ khoảng 7,03 – 7,66 triệu lượt hành khách mỗi năm, trong khi hàng hóa giảm còn 2,7 – 3,3 triệu tấn/năm. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đánh giá cần điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phù hợp.

Theo báo cáo tiền khả thi, thay vì đầu tư khổ đường lồng (1.435 mm và 1.000 mm) như trước đây trên đoạn Lim – Phả Lại – Hạ Long, liên danh tư vấn đề xuất sử dụng khổ đường đơn 1.435 mm. Lý do là khổ 1.000 mm hiện có nhu cầu vận tải rất thấp, trong khi chi phí đầu tư, duy tu và bảo trì đối với đường lồng cao hơn khoảng 1,25 lần so với đường đơn tiêu chuẩn.
Thiết kế kỹ thuật mới của dự án cho phép tàu khách chạy với tốc độ tối đa 120 km/giờ, tàu hàng đạt 80 km/giờ. Đoạn 10 km từ ga Yên Viên đến ga Lim hiện vẫn còn chất lượng tốt và đang được duy tu nên sẽ không đầu tư lại. Tuyến đường sắt toàn tuyến dài 119,4 km.
Kế hoạch đầu tư bao gồm việc xây mới 4 ga (Nam Sơn, Châu Cầu, Chí Linh mới và Cái Lân), cải tạo 8 ga, xây dựng mới 19 cầu và nâng cấp 36 cầu hiện có.
Tổng vốn đầu tư cập nhật cho toàn dự án là 9.989 tỷ đồng, trong đó 4.429 tỷ đồng đã được thực hiện. Như vậy, để hoàn thành toàn bộ tuyến, còn cần thêm 5.560 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án đường sắt đề xuất bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030. Dự án dự kiến được triển khai lại từ năm 2026, hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2031.

Trước đó, tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư từ năm 2004 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với chiều dài toàn tuyến là 131 km, nối từ ga Yên Viên (Hà Nội) tới cảng Cái Lân (Quảng Ninh), tổng mức đầu tư hơn 7.660 tỷ đồng. Dự án được chia làm 4 tiểu dự án độc lập, khởi công từ năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2011.
Tuy nhiên, do chủ trương cắt giảm đầu tư công, năm 2011 dự án bị đình hoãn. Trong số 4 tiểu dự án, chỉ có đoạn Hạ Long – cảng Cái Lân (dài 5,6 km) được đưa vào sử dụng năm 2014. Ba tiểu dự án còn lại bị dở dang, gây lãng phí lớn. Ngoài các công trình đang xây dựng dở, dự án còn tồn đọng nhiều vật tư và thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng (gồm ray, tà vẹt, động cơ...) chưa sử dụng. Bộ Giao thông Vận tải khi đó đã bàn giao số vật tư này cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bảo quản.
Link bài gốcCoppy
https://vnexpress.net/dieu-chinh-cong-nang-tuyen-duong-sat-yen-vien-ha-long-cai-lan-4899817.html