Hàng Trăm Sinh Viên Cao Đẳng Kinh Tế Công Nghệ Hà Nội Bị Dừng Học "Không Lý Do"
(NS) - Hơn 100 sinh viên hệ đào tạo từ xa của trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội đang rơi vào tình cảnh hoang mang khi bị dừng học đột ngột, không rõ lý do, dù đã hoàn thành 3 kỳ học và đóng hàng chục triệu đồng học phí. Vụ việc hé lộ nhiều dấu hiệu bất thường về quy trình tuyển sinh, thu chi và quản lý của trường.
Hàng trăm sinh viên hệ đào tạo từ xa của trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mất trắng thời gian, công sức và tiền bạc khi bất ngờ bị thông báo dừng học vô thời hạn, không kèm theo lý do cụ thể hay ngày hẹn trở lại.
Chị Duyên, 32 tuổi, một trong những nạn nhân, đăng ký ngành Công nghệ thông tin hệ đào tạo từ xa vào năm 2022. Chị cho biết bị thu hút bởi quy trình đăng ký đơn giản, chỉ cần nộp điểm tốt nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng một kỳ học, chị Duyên bắt đầu nhận thấy chương trình có nhiều điểm "bất thường". Trường không có giáo viên lên lớp trực tiếp, giáo trình thì cũ kỹ. Tất cả sinh viên phải tự học bằng cách xem các bài giảng trực tuyến được ghi hình sẵn và thi cũng thi trực tuyến.
Về vấn đề học phí, sinh viên được yêu cầu nộp tiền vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Bích Vượng, người được giới thiệu là phó hiệu trưởng, sau đó mới nhận được biên lai có dấu của trường. Chị Duyên kể lại, khi thắc mắc về các vấn đề này, bà Vượng không trả lời trực tiếp mà thậm chí còn tắt chức năng gửi tin nhắn trong nhóm Zalo của sinh viên. "Vì đã lỡ học, lại nghĩ chương trình cao đẳng có hai năm thôi, nên tôi tự động viên cố hoàn thành", chị Duyên kể.
Tuy nhiên, mọi việc trở nên bế tắc vào cuối năm ngoái. Sau khi hoàn thành ba học kỳ và đã nộp tổng cộng 20 triệu đồng học phí, chị Duyên cùng các sinh viên khác ngỡ ngàng nhận được thông báo phải dừng học mà không có bất kỳ lý do nào. Ngay sau đó, bà Vượng nghỉ việc. Chị Duyên và nhiều sinh viên khác đã cố gắng liên lạc với ông Nguyễn Đình Tân, hiệu trưởng lúc bấy giờ, và bà Vượng nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng hay kế hoạch học tập trở lại.
Chị Hương, một học viên ngành Ngôn ngữ Nhật hệ đào tạo từ xa, cũng chung cảnh ngộ. Chị cho biết năm 2022, khi đang ở Nhật, chị biết đến chương trình và quyết định đăng ký với mong muốn có tấm bằng để dễ xin việc hơn khi về Việt Nam. Khi chỉ còn một kỳ cuối cùng, chị Hương được bà Vượng thông báo "trường gặp rắc rối, bị thanh tra nên không lấy được bằng". Bà Vượng còn đề nghị chị và các học viên khác chuyển trường, nhưng không phải dạng chuyển tiếp mà là học lại từ đầu. "Tôi không đồng ý, vì lúc đó đã học gần xong rồi", chị Hương bức xúc.
Khi chị Hương cùng một số sinh viên khác liên hệ với ông Tân, họ nhận được câu trả lời bất ngờ rằng "hệ đào tạo này cho bà Vượng tự thành lập, nhà trường không biết". "Tôi sững sờ, tiếc thời gian, công sức và tiền bạc đã bỏ ra", chị Hương nói, "Tôi đã nộp 25 triệu học phí. Giờ dừng đột ngột, không có bằng xin việc, tôi không biết làm thế nào."

Ước tính có khoảng hơn 100 người bị ảnh hưởng bởi vụ việc này. Họ đã cùng nhau gửi đơn tới nhà trường và các cơ quan chức năng, với mong muốn được tiếp tục hoàn thành chương trình và lấy bằng, hoặc ít nhất là được nhận lại số tiền đã đóng.
Trong khi sinh viên vẫn đang chờ đợi phản hồi, vào ngày 26/5, ông Nguyễn Đình Tân đã chính thức nghỉ việc. Ông Đào Đức Nghiệp được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng phụ trách. Tuy nhiên, theo ông Đặng Xuân Hùng, Trưởng phòng hành chính tổng hợp của trường, ông Nghiệp vẫn chưa chính thức nhận công tác và chưa có mặt ở trường, nên tạm thời trường không có đại diện phát ngôn. Ông Hùng cho biết, sau khi kiện toàn bộ máy, trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ sẽ thành lập hội đồng, trong đó có bà Vượng, để "giải quyết các tồn tại, vướng mắc". Trong khi đó, bà Vượng từ chối cung cấp thông tin, chỉ cho biết đã làm việc với trường và cơ quan chức năng.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, xác nhận đã nắm được sự việc. Bộ đang yêu cầu trường báo cáo và đồng thời cử bộ phận chuyên môn kiểm tra.
Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp, được thành lập năm 2010 theo quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trên website, trường tự nhận là trường công lập, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cơ sở này cũng quảng cáo có đội ngũ giảng viên chuyên môn cao, đào tạo 29 ngành, nghề, như Marketing, Thương mại điện tử, Quản trị kinh doanh, Kế toán... Tuy nhiên, ông Bình đã khẳng định đây không phải trường công lập thuộc Bộ như thông tin mà trường dùng để tuyển sinh.