2025-06-09 14:59:44

Khơi thông dòng chảy nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân

(NS) - Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đang được ví như một chìa khóa chiến lược, mở ra cánh cửa tiếp cận nguồn vốn dài hạn cho khu vực doanh nghiệp tư nhân – nơi lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Đây là bước đi quan trọng giúp tái cấu trúc dòng vốn đầu tư theo hướng bền vững hơn, giảm phụ thuộc vào dòng tín dụng ngắn hạn truyền thống.

Theo các chuyên gia, để Việt Nam đạt được tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, tư duy phát triển kinh tế cần có sự chuyển dịch căn bản. Nghị quyết 68 nhấn mạnh hai điểm trọng yếu: giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng và tăng cường nội lực cho thị trường vốn. Đây cũng là hai yếu tố then chốt tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, từ đó thúc đẩy sản xuất, mở rộng quy mô và đổi mới công nghệ.

Thực tế cho thấy, hiện nay vốn đầu tư dài hạn của khu vực doanh nghiệp vẫn chủ yếu đến từ nguồn tín dụng ngắn hạn, tạo ra những rủi ro tiềm ẩn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại khối ngân hàng thương mại cổ phần là gần 40%, cao hơn nhiều so với mức 31% thời điểm cuối năm 2019 – giai đoạn trước đại dịch. Điều này không chỉ khiến hệ thống ngân hàng đối mặt với nguy cơ nợ xấu, mà còn khiến doanh nghiệp tư nhân dễ bị tổn thương khi chi phí vốn cao và thiếu tính ổn định.

Nghị quyết 68 được ví như chìa khóa mở ra cánh cửa tiếp cận nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp tư nhân
ẢNH: NGỌC THẮNG

Trong bối cảnh đó, thị trường vốn được kỳ vọng là lực đỡ mới cho nền kinh tế, giúp phân bổ nguồn lực tài chính hiệu quả hơn và tạo ra động lực phát triển bền vững. Như bà Nguyễn Thị Diệu Phương – Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital – nhận định, ở các nước phát triển, vốn cổ phần đóng vai trò chủ lực trong cấu trúc tài chính của doanh nghiệp, còn vốn ngân hàng chỉ đóng vai trò bổ trợ.

Một trong những tín hiệu tích cực là các cơ quan quản lý đang chủ động cải thiện hệ sinh thái thị trường vốn. Đầu tháng 5 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã chính thức vận hành hệ thống giao dịch mới KRX, được đánh giá là bước tiến lớn giúp thị trường hoạt động minh bạch, hiện đại và hướng tới mục tiêu nâng hạng. Song song đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đang được rà soát, bổ sung các quy định nhằm tăng tính minh bạch và bảo vệ nhà đầu tư.

Trong định hướng của Nghị quyết 68, việc phát triển các công cụ tài chính mới, đa dạng hóa sản phẩm và khuyến khích sự tham gia của các định chế tài chính, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân, sẽ tạo nền tảng quan trọng cho dòng vốn dài hạn. Đây chính là lực lượng đã góp phần đáng kể vào quá trình hình thành thế hệ doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh của Việt Nam trong gần hai thập kỷ qua.

Sự trỗi dậy của nhiều tập đoàn tư nhân hiện nay có dấu ấn không nhỏ của các quỹ đầu tư. Điển hình là Công ty CP Thép Hòa Phát, khi vào năm 2007, quỹ VOF thuộc VinaCapital đầu tư 47 triệu USD để xây dựng khu liên hợp sản xuất thép tích hợp – thời điểm mà giá trị vốn hóa công ty chỉ bằng 1/13 so với cuối năm 2024. Tập đoàn Kido, Khang Điền và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng từng đón nhận các khoản đầu tư chiến lược từ các quỹ, từ đó có bước phát triển vượt bậc về quy mô và khả năng cạnh tranh.

Một số doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh một phần nhờ nguồn vốn từ các quỹ đầu tư tư nhân
ẢNH: CTV

Sự hiện diện của các quỹ đầu tư không chỉ mang lại dòng vốn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp hoàn thiện bộ máy quản trị, minh bạch hóa tài chính, chuẩn hóa kế toán và kiểm toán – những yếu tố giúp nâng cao năng lực tiếp cận vốn dài hạn trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Diệu Phương cho biết, Nghị quyết 68 tạo nền tảng để doanh nghiệp tư nhân nâng cao chất lượng nội tại, mở rộng cánh cửa thu hút dòng vốn dài hạn không chỉ từ trong nước mà cả quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Trong giai đoạn phát triển mới, các quỹ đầu tư nội địa được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt dòng vốn vào các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, và hạ tầng đổi mới sáng tạo. Với sự kết hợp giữa chính sách vĩ mô hỗ trợ và sự chuyên nghiệp hóa của thị trường tài chính, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để hình thành một thế hệ doanh nghiệp tư nhân mới – năng động, minh bạch và sẵn sàng vươn tầm khu vực.

Nghị quyết 68 không chỉ là cú hích tái cấu trúc nền kinh tế tư nhân, mà còn là chất xúc tác quan trọng để khơi thông dòng vốn đầu tư dài hạn, góp phần định hình một hệ sinh thái kinh tế năng động và bền vững hơn cho thập kỷ tới.