2020-03-09 15:01:45

Khu đô thị Vạn Phúc: Cảnh báo hệ lụy từ chức năng hồ điều tiết bị "biến tướng"

(NS) - Dự án Khu đô thị Vạn Phúc đã chuyển đổi công năng từ công viên giải trí thành công viên chuyên đề và hồ điều tiết, đang gây nhiều lo ngại trước những “biến tướng”.

Tại khu đô thị Vạn Phúc, dự án hồ điều tiết (HĐT) sau khi chuyển đổi công năng đã gây nên sự nghi ngại, vì khi HĐT đưa vào vận hành sẽ không thể hiện hết chức năng, không điều tiết, không lọc nước, rác kịp thời làm cho dòng chảy ngưng lưu thông… gây ứ đọng, ô nhiễm môi trường.

"Hành trình" hồ điều tiết thành hồ cảnh quan

Vào ngày 05/10/2010, tại quyết định số 4337/QĐ-UBND của UBND TP.HCM nêu rõ việc duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng "Khu dân cư - Công viên giải trí". Đồng thời, tại quyết định này cũng cho biết dự án được phê duyệt trên tổng diện tích 194 hecta, với dân số theo quy hoạch là 18.000 dân.

Song song đó, giải pháp quy hoạch thoát nước bẩn, rác thải và vệ sinh môi trường cũng được nêu ra cụ thể với tổng lưu lượng nước thải toàn khu là 12.960m3/ngày, rác thải sinh hoạt 54 tấn/ngày.

Mô hình hồ cảnh quan nằm trên một phần mặt hồ điều tiết, do công ty Vạn Phúc quảng cáo trên website.

Cho đến ngày 12/8/2017 thì UBND TP.HCM lại ra quyết định số 4353/QĐ-UBND duyệt đồ án quy hoạch thành Công viên chuyên đề (Công viên nước) và Hồ điều tiết theo tờ trình số 3558/TTr-SQHKT của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.

Theo quyết định trên, công ty Vạn Phúc đồng thời quảng cáo dự án có diện tích lên đến 198 hecta, có công viên giải trí “tầm cỡ Quốc tế”, với dân cư tại dự án lên đến 45.000 dân.

Cũng tại Quyết định này, dự án Khu dân cư Vạn Phúc giới thiệu có tổng diện tích 21ha là Hồ cảnh quan, trong đó 11,2ha là HĐT gồm phần mặt nước nằm dưới công viên chuyên đề, phần mặt nước nằm dưới công viên công cộng tập trung và phần mặt nước thoáng.

Như vậy, “số phận” HĐT lúc này đã được chuyển đổi từ những quyết định khác nhau của UBND TP.HCM. Bên cạnh đó, với tổng số dân cư tại dự án đã tăng lên theo cấp "số nhân", kéo theo một lượng lớn chất thải (nước thải và rác thải - PV) cũng tăng lên. Liệu "chức năng" HĐT đã bị chuyển đổi như vậy thì còn thực hiện tốt, hiệu quả điều tiết chống ngập khi mưa lớn, bão lũ, triều cường không?

Tại buổi làm việc với phóng viên ĐS&PL, ông Võ Anh Tuấn – Trưởng phòng quy hoạch, công ty Vạn Phúc cho rằng: “Trên mặt hồ có công viên chuyên đề và công viên công cộng chiếm tổng diện tích 3ha. Còn 8,2 ha mặt nước thoáng HĐT giữ nguyên. Phần công viên xây dựng trên mặt HĐT được chống bằng cột đỡ sàn bêtông cốt thép chiếm diện tích khoảng 12.124,5m2 sàn xây dựng".

Ngoài ra, riêng việc sử dụng diện tích mặt HĐT thì Vạn Phúc phải thuê, "giá thuê bao nhiêu thì cơ quan chuyên môn của UBND TP.HCM sẽ định giá, hiện tại chưa có thông tin cụ thể, và công ty Vạn Phúc chưa biết đưa ra hình thức thuê như thế nào?”, Ông Tuấn cho biết thêm.

Khu vực hồ điều tiết theo quy hoạch sẽ kết hợp làm hồ cảnh quan đang thi công tại dự án Khu đô thị Vạn Phúc

"Biến tướng" hồ cảnh quan thành hồ chứa rác?

Theo PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên GĐ Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TP.HCM), trước tiên phải hiểu chức năng HĐT không chỉ là một cái hồ đơn thuần, không chỉ đơn giản là chuyện đào cái hồ cho nước chảy vào, mà công năng của nó phải điều tiết nước và làm chậm dòng chảy.

Có hai loại hồ điều tiết: Hồ nằm trước cống, có chức năng ngăn lượng mưa lớn trước khi chảy vào cống. Có thể đặt hồ này ở khắp nơi như các sân đất trống, trũng hay cao, không phân biệt vị trí vỉa hè, đường hẻm... Loại hồ này rất quan trọng và cần thiết, còn được gọi là hồ điều tiết “phòng ngập”.

Hồ thứ hai, có chức năng trữ nước khối lượng lớn, làm chậm dòng chảy, điều tiết lượng nước ra, vào từ các cống khi triều lên cao hoặc mưa lớn. Loại hồ này nằm ở vị trí thấp, diện tích lớn, thường đặt ở ngoại thành, kết hợp kênh, rạch hoặc chính nó là sông. Hồ này nằm sau cống, nên nước dễ bị hôi, tụ rác, chất thải, bùn, đất tràn vào.

PGS.TS Hồ Long Phi cảnh báo: “HĐT kết hợp hồ cảnh quan thì chức năng không phải HĐT. Trước đây đã có những thiết kế kết hợp giữa hồ điều tiết với hồ cảnh quan, nhưng khi đi vào vận hành thì không thành công và rất tốn kém, vì chức năng điều tiết, chống ngập, lụt của hồ không thể hiện hết công năng, không điều tiết và lọc nước kịp thời, không lưu thông dòng chảy, ứ đọng, hôi hám, ô nhiễm cả diện rộng. Công trình HĐT tại khu công viên nước Đầm Sen (Q11), hồ Xáng Thổi (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) là một minh chứng”.

“Trong điều kiện hiện nay của thành phố, đa số cơ sở hạ tầng cũ, nước mưa và nước thải chung một đường cống, nên HĐT thường trữ cả hai, tạo ra nguồn nước rất ô nhiễm. Vì vậy, cần có giải pháp nghiên cứu tổng thể, việc thiết kế HĐT phải thật sự công phu, phải có những giải pháp cho đường thu gom gạn, lọc sỏi, đất, bùn, rác… để đưa nước sạch vào hồ.”- ông Phi nhấn mạnh.

Tận dụng hồ điều tiết chống ngập lụt làm hồ cảnh quan tại dự án khu đô thị Vạn Phúc gây lo ngại chức năng hồ điều tiết bị mai một, và có thể biến mất theo thời gian.

GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Môi trường (Trường ĐHCN TP.HCM) có ý kiến cho rằng, HĐT chỉ nằm ở vị trí nội thành để điều tiết lượng nước lớn do mưa và triều cường, chống ngập lụt. Hiện tại trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) tiếp giáp sông Sài Gòn, thường ngập cục bộ do triều cường, chỉ cần khơi thông cống rãnh là được. Nên UBND Thành phố không cần thiết đầu tư hàng chục hecta làm hồ điều tiết trong dự án khu đô thị Vạn Phúc.

“Việc làm HĐT phải đặt chức năng của hồ lên hàng đầu, không nên “dựa hơi” HĐT nhằm mục đích biến tướng sang hồ cảnh quan, hay công viên chuyên đề, làm ảnh hưởng vai trò và chức năng của HĐT. Nhìn chung, việc tạo hồ cảnh quan và công viên chuyên đề trên bề mặt HĐT là phục vụ mục đích thương mại.

Thứ nhất, để quảng bá cho người dân thấy các tiện ích khi mua dự án của Vạn Phúc, tiện ích tăng thì đồng nghĩa với giá trị dự án cao. Thứ hai, khi đầu tư dịch vụ thì chắc chắn có những hoạt động kinh doanh khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn… thì ô nhiễm không khí, nước, đất vì chất thải sẽ rất lớn. Theo nghiên cứu, ước tính trung bình mỗi người thải ra 2kg rác/ngày và dùng khoảng 100-200 lít nước/ngày. Do đó, viễn cảnh giữa HĐT và hồ cảnh quan được “vẽ” ra là tuyệt vời, nhưng duy trì việc đảm bảo vệ sinh môi trường là vấn đề cần bàn đến”- GS.TSKH Lê Huy Bá nói.

“Đã gọi là hồ cảnh quan thì nước hồ phải sạch. Do đó, kết hợp hồ cảnh quan với HĐT thì phải cân nhắc kỹ, thiết kế kỹ thuật không đúng, không đảm bảo độ an toàn thì sau một thời gian vận hành HĐT sẽ thành “hồ rác”, hoặc “hồ nước thối”, lúc này cư dân chịu hết hậu quả. Nên phải có giải pháp kiểm tra trong suốt quá trình thiết kế thi công HĐT, đồng thời chứng minh bằng bản vẽ và nghiệm thu bằng thực tế”. PGS.TS Hồ Long Phi - Nguyên GĐ Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TPHCM).

Nguyễn Kiên - Quỳnh Hương