2025-06-12 11:00:37

Doanh nghiệp bất động sản chịu thiệt kép vì bị truy thu tiền sử dụng đất bổ sung

(NS) - Việc bị truy thu tiền sử dụng đất bổ sung do chậm nộp đang khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng “thiệt đơn, thiệt kép”, khi nguyên nhân lại không đến từ phía họ.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 103/2024 do Bộ Tài chính đang lấy ý kiến, khoản thu bổ sung vẫn được giữ nguyên đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng hoặc thuê đất, kể cả khi dự án đã được giao đất hoặc cho thuê. Khoản này được tính với lãi suất 5,4%/năm trên số tiền chậm nộp. Đây là vướng mắc kéo dài của nhiều chủ đầu tư bất động sản trong suốt thời gian qua.

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc tại Bình Dương cho biết, dự án của công ty triển khai từ năm 2022 nhưng mất ba năm mới được xác định tiền sử dụng đất. Ban đầu, doanh nghiệp dự kiến mức nộp khoảng 80 tỷ đồng, nhưng sau thẩm định, số tiền tăng lên hơn 200 tỷ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn bị truy thu hơn 30 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp – tương đương khoảng 15% tổng chi phí đầu tư.

“Chúng tôi không thể nộp tiền sử dụng đất nếu chưa được định giá. Trong thời gian chờ đợi, dự án đình trệ, không thể mở bán, không có doanh thu, nhưng vẫn phải trả lãi ngân hàng và chi phí vận hành. Giờ còn bị phạt vì chậm nộp là bất công”, vị này chia sẻ.

Tình trạng tương tự xảy ra tại một dự án gần 2.000 căn hộ ở khu Đông TP HCM. Đại diện chủ đầu tư cho biết dự án bắt đầu từ năm 2017 với mức tạm tính tiền sử dụng đất 1.200 tỷ đồng, sau 8 năm đã tăng lên gần 3.500 tỷ, chưa kể khoản phạt lãi có thể hàng trăm tỷ đồng.

Bất động sản khu đông TP HCM với các dự án đất nền, nhà phố. Ảnh: Quỳnh Trần

Doanh nghiệp từng bán sản phẩm theo mức tạm tính, nhưng khi chi phí tăng gấp nhiều lần, họ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: giữ giá cũ thì lỗ nặng, tăng giá thì không phù hợp với sức mua của thị trường.

“Chúng tôi chấp nhận nộp tiền sử dụng đất cao, nhưng việc bị truy thu lãi phạt do chậm nộp trong khi lỗi không nằm ở mình là vô lý”, đại diện doanh nghiệp nêu quan điểm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cũng cho rằng cách tính lãi hiện nay là chưa hợp lý. Theo ông, nghĩa vụ tài chính chỉ phát sinh khi có thông báo từ cơ quan thuế. Việc tính lãi phạt từ thời điểm giao đất nhưng chưa xác định giá là không công bằng, nhất là khi nguyên nhân chậm trễ xuất phát từ cơ quan nhà nước.

“Việc áp lãi suất 5,4% cho toàn bộ thời gian chờ định giá sẽ khiến doanh nghiệp bị áp lực tài chính, kéo theo sự sụt giảm nguồn cung bất động sản”, ông Châu nhấn mạnh.

Chuyên gia Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, gọi quy định truy thu là nghịch lý. Ông cho rằng doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ quy trình pháp lý nhưng vẫn bị quy vào diện chậm nộp là không hợp lý. “Chính sách cần công bằng hai chiều. Nếu cơ quan quản lý chậm, thì không thể đẩy toàn bộ rủi ro cho doanh nghiệp”, ông nói.

Ông Châu cũng cảnh báo, việc truy thu đột ngột các khoản lớn nằm ngoài kế hoạch khiến doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, không thể tiếp tục triển khai dự án. Chi phí đầu vào tăng, khả năng hấp thụ của thị trường giảm, cuối cùng hệ quả lại dồn lên người tiêu dùng.

HoREA kiến nghị Bộ Tài chính nên bỏ quy định truy thu khoản bổ sung tiền sử dụng đất cho giai đoạn chậm định giá trước ngày 1/8/2024 – thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực. Đồng thời, hiệp hội đề xuất trừ 180 ngày (thời hạn tối đa để UBND tỉnh ban hành quyết định giá đất) khỏi thời gian tính lãi phạt để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng cần quy định rõ thời hạn và cơ chế xử lý hồ sơ định giá đất, xác định trách nhiệm cụ thể của các bên. Việc truy thu lãi chỉ nên áp dụng với doanh nghiệp chây ỳ, còn với đơn vị tuân thủ đúng quy trình, cần miễn hoặc giãn lãi – bảo đảm công bằng và thúc đẩy phát triển thị trường lành mạnh.