TP.HCM chưa thể lấy mẫu "lòng xe điếu", các quán đồng loạt báo... hết hàng
(NS) - Sau lùm xùm về món “lòng xe điếu” gây xôn xao mạng xã hội, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết hiện vẫn chưa thể thu thập được mẫu để kiểm tra, do các quán liên quan đều báo "hết hàng", trong khi Lòng Chát quán tại quận Tân Bình đã tạm ngưng hoạt động.
Theo thông tin từ Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện đơn vị đang liên hệ với chủ cơ sở Lòng Chát để mời lên làm việc theo đúng quy trình pháp lý. Trước đó, vào ngày 7/5, Đội Quản lý ATTP số 6 đã tiến hành kiểm tra quán Lòng Chát trên đường Hồng Lạc, quận Tân Bình, tuy nhiên cơ sở này hiện đã tạm thời đóng cửa, chờ kết luận từ cơ quan chức năng.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết:
“Các quán được kiểm tra trên địa bàn đều cho biết không còn món lòng xe điếu để lấy mẫu, nên trước mắt chúng tôi sẽ chuyển hướng kiểm tra các sản phẩm nội tạng liên quan và rà soát nguồn cung, cách chế biến.”

Về việc cơ sở Lòng Chát có vi phạm hay không, kết luận vẫn đang trong quá trình thanh tra, chưa thể đưa ra đánh giá cuối cùng.
Trước đó, hình ảnh về món “lòng xe điếu” – phần nội tạng được cho là dài tới 40 mét – xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội với các clip mâm lòng kéo dài bất thường. Sự lan truyền mạnh mẽ của các video này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận, không ít người lo ngại món ăn này có thể bị can thiệp bằng hóa chất để tạo độ giòn hoặc kéo dài giả tạo, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Cơ quan chức năng tại cả Hà Nội và TP.HCM đã nhanh chóng vào cuộc. Tại Hà Nội, Đoàn liên ngành đã kiểm tra đột xuất cơ sở Lòng Chát quán tại số 18 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) vào ngày 13/5.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Quyền Thế – chủ cơ sở – thừa nhận thông tin bộ lòng dài 40m là “nói hơi quá”, thực tế chỉ khoảng 25–27m. Ông Thế cũng gửi lời xin lỗi người tiêu dùng vì hình ảnh đăng tải gây hiểu lầm.
TP.HCM tiếp tục kiểm tra các cơ sở liên quan
Hiện Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục rà soát các cơ sở có kinh doanh nội tạng động vật, đồng thời tăng cường giám sát quy trình chế biến và nguồn cung cấp lòng lợn, lòng bò... đang tiêu thụ trên thị trường. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn.