2025-06-03 11:25:52

Mỹ hối thúc đối tác thương mại nộp đề xuất trước thời hạn 3/6

(NS) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng tốc thúc đẩy đàm phán thương mại với nhiều quốc gia khi thời hạn ông đặt ra chỉ còn 5 tuần. Theo một bản dự thảo thư của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) do Reuters thu thập được, Washington yêu cầu các đối tác nhanh chóng nộp các đề xuất cụ thể về hợp tác thương mại trong tuần này.

Nội dung dự thảo nêu rõ, Mỹ đề nghị các nước đàm phán chủ động liệt kê những đề xuất “tốt nhất có thể” liên quan đến các lĩnh vực then chốt như thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu hàng hóa công nghiệp và nông sản Mỹ, cùng với kế hoạch cắt giảm các rào cản phi thuế quan. Ngoài ra, USTR cũng yêu cầu đối tác cam kết trong các lĩnh vực thương mại kỹ thuật số, an ninh kinh tế và các cam kết đặc thù phù hợp với tình hình của từng nước.

Sau khi nhận được đề xuất, Mỹ sẽ xem xét trong vài ngày để đưa ra một “phương án tiềm năng” – trong đó có thể bao gồm thuế đối ứng nếu không đạt được tiến bộ thực chất.

Hiện vẫn chưa rõ cụ thể những quốc gia nào sẽ nhận được thư này, nhưng nhiều khả năng là các nước đang trong giai đoạn đàm phán tích cực với Mỹ. Danh sách này được cho là bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ và một số đối tác khác.

Một quan chức thuộc USTR xác nhận với Reuters rằng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra khẩn trương, với nhiều nội dung đạt tiến triển rõ rệt. “Việc đánh giá tiến độ và xác định bước đi tiếp theo sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho các bên,” người này cho biết.

Giới quan sát nhận định động thái này cho thấy chính quyền Trump đang nỗ lực hoàn thiện các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương trước thời hạn chính trị quan trọng. Dù một số quan chức cấp cao như cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett nhiều lần khẳng định một số thỏa thuận đã gần hoàn thành, đến nay Mỹ mới chỉ đạt được một thỏa thuận khung với Vương quốc Anh và một thỏa thuận tạm thời giảm thuế với Trung Quốc.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer (trái) và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Scott Bessent tại họp báo ngày 12/5. Ảnh: Reuters

Thuế nhập khẩu tiếp tục là điểm tựa trọng yếu trong chính sách kinh tế đối ngoại của ông Trump. Mục tiêu chiến lược là tái cân bằng cán cân thương mại, thu hẹp thâm hụt và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Ngoài ra, nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa kỳ vọng thuế nhập khẩu sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách để bù đắp cho các khoản giảm thu theo dự luật thuế mới đang được Quốc hội xem xét.

Tuy nhiên, chính sách thuế của ông Trump cũng đang gặp nhiều rào cản pháp lý. Ngày 28/5, Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) tại Manhattan đã ra phán quyết ngăn chặn phần lớn mức thuế nhập khẩu mà Tổng thống Trump từng áp dụng, cho rằng việc viện dẫn Đạo luật Quyền Kinh tế Khẩn cấp (IEEPA) vượt quá thẩm quyền. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực Washington đã ra lệnh tạm khôi phục hiệu lực mức thuế, để chờ xem xét đơn kháng cáo của chính phủ Mỹ.

Trong dự thảo thư gửi các đối tác, USTR cảnh báo không nên cho rằng mức thuế sẽ tự động bị hủy bỏ nếu tòa án cuối cùng không chấp thuận việc sử dụng IEEPA. “Tổng thống sẽ tiếp tục áp dụng các mức thuế này dựa trên cơ sở pháp lý khác nếu cần thiết. Vì vậy, điều quan trọng là các cuộc đối thoại phải tiếp tục diễn ra nghiêm túc,” dự thảo nêu rõ.