Ruble tăng giá mạnh nhất thế giới năm nay
(NS) - Bất chấp chiến sự tại Ukraine kéo dài, giá dầu thô sụt giảm và các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây, đồng ruble của Nga vẫn nổi lên là đồng tiền tăng giá mạnh nhất toàn cầu trong năm nay. Theo dữ liệu mới nhất từ ngân hàng Bank of America (Mỹ), đồng ruble đã tăng hơn 40% so với đô la Mỹ kể từ đầu năm, trở thành đồng tiền có diễn biến tích cực nhất thế giới.
Thành tích ấn tượng của ruble gây bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh hai năm trước đồng tiền này liên tiếp mất giá do bất ổn địa chính trị. Hiện tại, mỗi đô la Mỹ chỉ đổi được 78,4 ruble, giảm mạnh so với mức 113 ruble một đô la hồi đầu năm.
Giới phân tích quốc tế, trong đó có các chuyên gia từ CNBC, cho rằng sự hồi phục này không phản ánh niềm tin của nhà đầu tư toàn cầu vào nền kinh tế Nga. Thay vào đó, đà tăng chủ yếu bắt nguồn từ các biện pháp kiểm soát vốn, chính sách tiền tệ chặt chẽ và một số tín hiệu cải thiện trong quan hệ Nga – Ukraine.
Brendan McKenna, chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng Wells Fargo, chỉ ra ba yếu tố chính góp phần giúp ruble tăng giá. Thứ nhất là chính sách lãi suất cao của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), thứ hai là các biện pháp kiểm soát dòng tiền ngoại tệ, và thứ ba là kỳ vọng về tiến triển hòa bình giữa Nga và Ukraine.
CBR hiện vẫn duy trì mức lãi suất 20%, một trong những mức cao nhất thế giới, nhằm kiềm chế lạm phát. Lãi suất cao khiến doanh nghiệp Nga hạn chế nhập khẩu hàng hóa, làm giảm nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong nước. Ngoài ra, tiêu dùng trong nước yếu đi cũng khiến nhu cầu mua ngoại tệ giảm, từ đó góp phần giữ giá đồng ruble.
Andrei Melaschenko, chuyên gia kinh tế tại Renaissance Capital, phân tích rằng khi nhu cầu mua ngoại tệ giảm, các ngân hàng trong nước không cần bán ruble để mua USD hay nhân dân tệ. Điều này tạo ra áp lực tăng giá cho đồng nội tệ Nga.
Một yếu tố quan trọng khác là chính sách yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, phải chuyển một phần doanh thu ngoại tệ về nước và đổi sang ruble. Theo dữ liệu của CBR, trong 4 tháng đầu năm, các hãng xuất khẩu lớn đã bán ra tổng cộng 42,5 tỷ USD ngoại tệ, tăng gần 6% so với 4 tháng trước đó.
Ngoài yếu tố kỹ thuật, kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Một số nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Nga sẽ từng bước hội nhập trở lại nền kinh tế toàn cầu nếu căng thẳng hạ nhiệt. Viễn cảnh này khiến một phần dòng vốn quay lại với các tài sản định giá bằng ruble.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo xu hướng tăng của ruble có thể khó duy trì lâu dài. Trong ngắn hạn, giá dầu thô – nguồn thu ngoại tệ chủ lực của Nga – đã giảm đáng kể. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu xuất khẩu và làm suy giảm lượng ngoại tệ bán ra, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá.
Melaschenko cho rằng ruble đã gần đạt đỉnh và có nguy cơ suy yếu trở lại. Cùng quan điểm, McKenna nhận định nếu đạt được thỏa thuận hòa bình, chính phủ Nga có thể gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát ngoại hối hiện hành. Khi đó, đồng ruble sẽ mất đi một trong những yếu tố bảo hộ chính và dễ bị tác động bởi các biến động thị trường toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu dầu khí cũng đang chịu sức ép lớn khi giá dầu giảm khiến biên lợi nhuận thu hẹp. Điều này đồng thời tác động tiêu cực đến nguồn thu ngân sách của chính phủ Nga.
Theo Heli Simola, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Phần Lan, khoảng 30% ngân sách liên bang Nga năm 2024 phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí. Trong bối cảnh nguồn thu giảm, chính phủ Nga buộc phải sử dụng nhiều hơn từ Quỹ Phúc lợi Quốc gia để bù đắp chi tiêu. Nếu xu hướng này tiếp diễn, khả năng cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu là điều khó tránh khỏi.
Simola cũng lưu ý rằng ngoài lĩnh vực dầu mỏ, nền kinh tế Nga hiện gần như bị cô lập với thị trường toàn cầu. Vì vậy, ngay cả khi ruble mất giá trong tương lai, lợi ích thương mại mà Nga có thể tận dụng từ đồng tiền yếu cũng rất hạn chế.
McKenna kết luận rằng thành tích tăng giá hiện tại của ruble là sản phẩm của chính sách tiền tệ kiểm soát nghiêm ngặt, nhưng về dài hạn, các yếu tố nền tảng chưa đủ vững chắc để đảm bảo sự ổn định cho đồng nội tệ Nga nếu môi trường chính sách thay đổi.