Công ty Thực Phẩm Sao Khuê (SK Foods), đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm từ bột gạo như bún, mì, ống hút gạo, hiện duy trì nhịp sản xuất ổn định. Theo bà Phạm Thị Bích Phượng – Giám đốc Kinh doanh công ty – thị trường nội địa hai tháng qua tăng trưởng khả quan, giúp công ty duy trì sản lượng. Bên cạnh đó, các đơn hàng xuất khẩu sang Malaysia và Australia cũng đang được triển khai đều đặn. Với thị trường Mỹ, doanh nghiệp vẫn tích cực chào hàng, chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về chính sách thuế để có thể khởi động giao dịch ngay khi có điều kiện thuận lợi.
Không chỉ ngành chế biến thực phẩm, xuất khẩu thủy sản cũng đang chứng kiến mức tăng trưởng tích cực dù gặp nhiều thách thức. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2025, ngành này mang về kim ngạch 4,2 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng như tôm, mực, cua ghẹ ghi nhận mức tăng trưởng hai con số.
.jpg)
Dữ liệu từ S&P Global cũng phản ánh xu hướng phục hồi. Chỉ số PMI ngành sản xuất tháng 5 đạt 49,8 điểm, tăng đáng kể so với 45,6 điểm của tháng 4. Dù vẫn dưới mốc 50 điểm – ngưỡng phân định mở rộng và thu hẹp hoạt động – nhưng đây là dấu hiệu cho thấy điều kiện sản xuất đang ổn định trở lại. Sản lượng đã tăng sau một tháng sụt giảm, đồng thời niềm tin của doanh nghiệp dần cải thiện.
Ông Andrew Harker – Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence – đánh giá việc chính sách thuế quan từ Mỹ trở nên rõ ràng hơn trong tháng 5 giúp doanh nghiệp ổn định tâm lý, khôi phục niềm tin kinh doanh. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng, nhất là trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu mới vẫn tiếp tục giảm.
Trước rủi ro từ chính sách quốc tế, chiến lược đa dạng hóa thị trường và sản phẩm được xem là chìa khóa tăng trưởng bền vững. Theo bà Lê Hằng – Phó Tổng thư ký VASEP – các doanh nghiệp nên tận dụng các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA để mở rộng xuất khẩu, đồng thời đầu tư hạ tầng logistics và cải thiện khả năng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đã tái cấu trúc sản phẩm theo hướng chế biến sâu, như phát triển các dòng cá viên, cá hộp, collagen từ phụ phẩm... Đây là chiến lược được đánh giá phù hợp với xu hướng tiêu dùng và lợi thế chuỗi cung ứng nhanh, tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Số liệu của VASEP cho thấy, xuất khẩu thủy sản sang khối thị trường CPTPP đạt hơn 1,15 tỷ USD trong 5 tháng, tăng trên 24% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong cũng tăng gần 49%, đạt hơn 900 triệu USD.
.jpg)
SK Foods cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế. Đại diện công ty cho biết đã chào hàng với đối tác đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và đang chờ xác nhận đơn hàng đầu tiên từ một công ty Nhật. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh doanh nghiệp Việt đang tìm cách giảm phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.
Tại phiên họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội ngày 3/6, bà Lê Thị Huỳnh Mai – Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM – cho biết Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định FTA, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt thâm nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu. Theo bà, xuất khẩu vẫn có triển vọng tích cực trong các tháng tới nếu doanh nghiệp tiếp tục thích ứng nhanh, đa dạng thị trường và kiểm soát tốt chi phí.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố quốc tế chưa rõ ràng, việc ngành sản xuất Việt Nam giữ được đà phục hồi là tín hiệu đáng chú ý. Sự kết hợp giữa ổn định nội địa, nỗ lực tái cấu trúc và chiến lược mở rộng thị trường chính là nền tảng để duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.