2025-05-14 11:44:02

Sụt lún đường dẫn cầu Hòa Bình (Tây Ninh): Cảnh báo kỹ thuật và trách nhiệm pháp lý

(NS) - Tây Ninh – Một sự cố nghiêm trọng tại công trình cầu Hòa Bình đang làm dấy lên lo ngại về chất lượng thi công và quy trình quản lý dự án giao thông tại địa phương.

 

Ngày 13-5, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho biết đã báo cáo Bộ Xây dựng sau khi xảy ra hiện tượng sụt lún nghiêm trọng tại đoạn đường dẫn cầu Hòa Bình (xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành). Dù chưa gây thương vong, nhưng sự cố làm gián đoạn lưu thông và đặt ra nhiều dấu hỏi về chất lượng thi công, khảo sát nền móng, cũng như vai trò giám sát công trình.

Theo PGS-TS Chu Công Minh (Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP HCM), nguyên nhân bước đầu có thể liên quan đến chất lượng nền móng hoặc địa chất yếu không được xử lý triệt để. Ông nhấn mạnh: “Khu vực Nam Bộ với nền đất yếu, bằng phẳng vốn phù hợp phát triển nông nghiệp, nhưng lại là thách thức lớn khi xây dựng các công trình giao thông, đặc biệt là cầu đường”.

Đường dẫn cầu Hòa Bình (Tây Ninh) bị sụt lún sâu, nứt toác kéo dài hàng chục mét.​​​​

 

 

PGS-TS Minh cho rằng, với công trình xây dựng trên đất yếu, việc khảo sát địa chất kỹ lưỡng là bắt buộc. Nếu phát hiện nguy cơ lún vượt giới hạn, cần áp dụng biện pháp kỹ thuật như gia cố nền móng, xử lý túi bùn, hoặc điều chỉnh thiết kế phù hợp.

Trong trường hợp đã phát hiện vết nứt lớn, dấu hiệu sụt lún thì cần cấm đường tạm thời để đảm bảo an toàn và kiểm tra bằng cảm biến hiện đại”, ông nói. Cũng theo chuyên gia này, trong quá trình thi công cần giám sát chặt chẽ chất lượng vật liệu, mật độ đầm nén, cũng như kiểm soát xe quá tải lưu thông qua công trình chưa nghiệm thu.

Luật sư Trương Văn Tuấn – Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn – nhận định sự cố không chỉ gây thiệt hại về tài sản và gián đoạn giao thông mà còn làm phát sinh trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.

Về phía đơn vị thiết kế, nếu nguyên nhân do “túi bùn cục bộ” dưới nền đường bị trượt thì có thể đơn vị thiết kế đã không khảo sát địa chất đầy đủ hoặc đánh giá sai mức độ rủi ro. “Họ phải chịu trách nhiệm về giải pháp nền móng, thiết kế kết cấu và giám sát quá trình thi công để đảm bảo đúng thiết kế đã phê duyệt”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ô tô rơi xuống hố sụt lún tại đường dẫn cầu Hòa Bình, lật nghiêng bên vách đất.

 

Đối với đơn vị thi công, trách nhiệm nằm ở việc thi công đúng hồ sơ kỹ thuật, xử lý nền móng theo phương án đã duyệt, đảm bảo chất lượng vật liệu, lu lèn, kiểm tra mật độ nén. Nếu sai quy trình kỹ thuật hoặc dùng vật liệu kém chất lượng, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Cuối cùng là chủ đầu tư – UBND huyện Châu Thành và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện. Đây là đơn vị lựa chọn nhà thầu, kiểm tra tiến độ và giám sát toàn diện. Việc để xảy ra sự cố khi công trình còn chưa nghiệm thu cho thấy khâu quản lý có thể đã thiếu chặt chẽ.

Sự cố sụt lún cầu Hòa Bình là lời cảnh tỉnh về chất lượng thi công và sự nghiêm túc trong quản lý các dự án hạ tầng. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh đầu tư giao thông, việc để xảy ra lỗi kỹ thuật nghiêm trọng ở công trình chưa nghiệm thu cho thấy cần siết lại toàn bộ quy trình: từ khảo sát, thiết kế đến thi công và giám sát.

Người dân địa phương không chỉ cần một cây cầu an toàn để đi lại, mà cần được đảm bảo rằng từng đồng vốn đầu tư được sử dụng minh bạch, đúng kỹ thuật, đúng trách nhiệm.