TP HCM nghiên cứu làm đường trên cao hai tầng kết nối sân bay Long Thành
(NS) - TP HCM – Thành phố đang nghiên cứu giải pháp xây dựng đường trên cao hai tầng để hình thành tuyến đường tốc độ nhanh, kết nối khu Nam với sân bay Long Thành, đồng thời giảm thiểu việc giải phóng mặt bằng trên các tuyến đường có lộ giới hạn chế.
Thông tin được ông Vương Quang Hưng – Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở Xây dựng TP HCM – cho biết ngày 19/5. Theo đó, giải pháp đường trên cao hai tầng đang được nghiên cứu trong khuôn khổ dự án xây dựng cầu Phú Mỹ 2 và tuyến đường kết nối từ TP HCM đến sân bay Long Thành (Đồng Nai).
Trên tuyến dự kiến có một số đoạn, như đường Hoàng Quốc Việt (quận 7), mặt đường hẹp, lộ giới nhỏ, nên việc xây dựng đường cao tốc thông thường sẽ gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng. Do đó, phương án xây dựng đường trên cao hai tầng được đưa ra nhằm tăng năng lực lưu thông, hạn chế việc đền bù giải tỏa và tận dụng không gian hiện hữu.
“Đây là lần đầu tiên TP HCM nghiên cứu giải pháp đường trên cao hai tầng. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đã áp dụng mô hình này khá phổ biến và hiệu quả,” ông Hưng cho biết. Hiện dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu sơ bộ, các phương án chi tiết sẽ được tiếp tục hoàn thiện.

Dự án cầu Phú Mỹ 2 là một trong những công trình trọng điểm kết nối TP HCM và Đồng Nai, đã được hai địa phương thống nhất triển khai. Tuyến đường bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), đi qua đường Hoàng Quốc Việt và Đào Trí, vượt sông Đồng Nai, kết nối vào đường Liên Cảng và đường 25C tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, hướng đến sân bay Long Thành.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 16,7 km, quy mô 8 làn xe (gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ). Tổng mức đầu tư sơ bộ gần 21.500 tỷ đồng.

Sau buổi làm việc vào tháng 4/2024, lãnh đạo TP HCM và Đồng Nai đã giao Sở Xây dựng hai địa phương phối hợp rà soát, cập nhật vị trí cầu và các tuyến kết nối vào đồ án quy hoạch có liên quan. Đồng thời, các Sở Tài chính, Xây dựng cũng được giao chủ trì nghiên cứu phương án, hình thức và nguồn vốn đầu tư công trình. Dự kiến, phương án đầu tư sẽ hoàn tất trong quý III năm nay, làm cơ sở để trình chủ trương đầu tư trong quý IV/2025 và khởi công vào năm 2027.
Trước đó, TP HCM từng nghiên cứu nhiều tuyến đường trên cao như Xô Viết Nghệ Tĩnh – Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), hay trục Trường Chinh – Cộng Hòa ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Một số dự án lớn như mở rộng quốc lộ 13, trục Bắc – Nam cũng đã được chấp thuận thiết kế đoạn trên cao theo hình thức BOT.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, đường trên cao nhiều tầng là giải pháp công trình phù hợp với đô thị đông dân, đặc biệt trong điều kiện quỹ đất hạn chế. Mô hình này không chỉ giúp tăng khả năng khai thác giao thông mà còn giảm tác động đến khu dân cư hiện hữu, hạn chế chi phí giải phóng mặt bằng, đồng thời tạo điều kiện phát triển các trục giao thông chiến lược.