2025-06-04 09:23:19

Trung Quốc: Dịch vụ “giả vờ đi làm” nở rộ giữa lo ngại thất nghiệp và áp lực thể diện

(NS) - Trong gần một năm qua, Zonghua vẫn đều đặn thức dậy sớm, bắt xe đến văn phòng vào buổi sáng và trở về nhà vào tối muộn. Thế nhưng, văn phòng mà cô lui tới không phải nơi làm việc thực sự. Không có lương, không có sếp, không có công việc cụ thể – Zonghua chỉ đang tham gia vào một dịch vụ “giả vờ đi làm”, một xu hướng đang nổi lên tại các đô thị lớn ở Trung Quốc.

Zonghua không phải trường hợp cá biệt. Cô là một trong hàng nghìn người trẻ tuổi vừa phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, vừa chịu áp lực nặng nề từ gia đình và xã hội về việc phải có công việc ổn định. Với mức phí chỉ từ 4 đến 7 USD mỗi ngày, các công ty cung cấp dịch vụ “giả vờ đi làm” mở ra không gian mô phỏng văn phòng – có bàn làm việc, wifi, cà phê, bữa trưa và cả những cuộc họp… tượng trưng.

Một số địa điểm thậm chí còn phân vai cho “nhân viên” với các nhiệm vụ ảo hoặc tổ chức các vòng giám sát để tăng độ chân thực. Nếu muốn, khách hàng có thể trả thêm tiền để “đóng vai” quản lý có phòng riêng hoặc tham gia các tình huống mô phỏng như “nổi loạn chống lại cấp trên”.

Quê ở Quảng Đông, Zonghua đã nghỉ việc từ đầu năm 2024 do kiệt sức vì quãng đường đi làm xa và áp lực chi phí sinh hoạt. “Tôi muốn tìm một cuộc sống ổn định hơn”, cô chia sẻ. Nhưng thay vì nói thật với gia đình, Zonghua chọn cách giấu kín, ban đầu bằng việc ngồi ở thư viện. Vài tháng trở lại đây, cô chi 55 USD để có một chỗ ngồi thoải mái, đủ yên tĩnh cho công việc bán thời gian – mà theo cô, vẫn rẻ hơn so với ngồi quán cà phê suốt ngày.

Hiện tại, Zonghua vẫn chưa tìm được công việc mới và không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp tại các khu vực đô thị đạt 5,3% trong quý I/2025. Riêng nhóm thanh niên 16–24 tuổi không còn đi học, tỷ lệ này lên tới 16,5%, trong khi nhóm 25–29 tuổi là 7,2%.

Giữa bối cảnh đó, việc “giả vờ đi làm” được xem là một chiến lược giữ thể diện ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. Nhiều bài đăng quảng cáo dịch vụ này trên nền tảng Xiaohongshu (tiểu Hồng Thư) thu hút hàng triệu lượt xem. Dù gây tranh cãi, có người coi đây là cách giảm áp lực tâm lý, người khác lại lo ngại nó khuyến khích trì hoãn và trốn tránh việc gia nhập thị trường lao động thực sự.

Người đi làm ở trung tâm Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Elpais

Quy mô thực tế của các công ty cung cấp dịch vụ này rất khó xác định vì đa phần không có hồ sơ pháp lý rõ ràng, hoạt động chủ yếu qua ứng dụng WeChat. Tại khu phố Shuangjing (Bắc Kinh), một công ty luật thậm chí treo biển công khai quảng bá dịch vụ “giả vờ đi làm”. Không gian gồm vài phòng họp và một khu sinh hoạt chung có thể chứa 36 người. Sáng thứ Tư, một số người đang chăm chú vào máy tính; một người đàn ông ngả người trên ghế xem điện thoại, còn một người trẻ khác đang chơi game.

“Đây là xu hướng của giới trẻ hiện nay”, người quản lý không giấu giếm. “Thực tế, nó cũng giống như một không gian làm việc chung (co-working space)”.

Anh này điều hành một nhóm chat trên WeChat với khoảng 300 thành viên, thường xuyên chia sẻ ảnh nội thất và cập nhật thông tin các gói dịch vụ.

Theo Xu Lin – một người sáng tạo nội dung – nhiều thành viên tham gia chỉ vì tò mò hoặc cảm thấy thú vị. Tuy nhiên, cũng có không ít người kỳ vọng đây là một nơi trung gian để họ tìm lại cơ hội nghề nghiệp. “Chúng tôi hy vọng có thể tìm thấy một công việc thực sự từ đây”, Da Neng Mao, một thợ xây, bày tỏ.