AI thay đổi cuộc chơi chấm điểm tín dụng: Cơ hội tiếp cận vốn rộng mở hơn
(NS) - Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chấm điểm tín dụng đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản cách thị trường tài chính đánh giá rủi ro, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho người dân và doanh nghiệp.
Dù không còn là khái niệm mới trên thế giới, chấm điểm tín dụng bằng AI vẫn còn nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam. Hiện mới chỉ có một số ngân hàng và tổ chức tài chính tiên phong ứng dụng. Tại lễ ra mắt Công ty Thông tin tín dụng KCI vào sáng ngày 3/6, đại diện đơn vị cho biết sẽ triển khai hệ thống chấm điểm tín dụng tự động dựa trên AI, dữ liệu lớn (big data) và thuật toán học máy (machine learning), với khả năng tùy biến theo từng phân khúc người vay.
“Khi mọi hành vi tài chính đều để lại dấu vết số, thông tin tín dụng chính là cầu nối giữa dữ liệu và niềm tin, giữa khả năng đánh giá và hoạt động tài chính có trách nhiệm”, ông Đặng Công Nguyên, Chủ tịch HĐQT KCI phát biểu. Theo ông, trong hệ sinh thái tài chính hiện đại, dữ liệu không chỉ là tài sản mà còn là nhiên liệu để thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.

Hệ thống chấm điểm tín dụng của KCI được xây dựng từ các nguồn dữ liệu hợp pháp, bao gồm dữ liệu từ ngân hàng, tổ chức tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cơ quan nhà nước cùng nhiều nguồn khác theo đúng quy định pháp luật. Việc ứng dụng AI giúp nâng cao khả năng phát hiện rủi ro và đánh giá năng lực trả nợ của khách hàng với tốc độ và độ chính xác vượt trội so với các phương pháp truyền thống.
Ông Đỗ Ngọc Thiện, Giám đốc sản phẩm của KCI, chia sẻ rằng các mô hình học máy mà công ty phát triển có khả năng phân tích hành vi tín dụng trong quá khứ để dự đoán mức độ rủi ro của người vay. “Nhờ tích hợp AI và dữ liệu lớn, quyết định cho vay được đưa ra nhanh hơn, chính xác hơn, giúp tổ chức tín dụng tiết kiệm thời gian và hạn chế tối đa rủi ro”, ông nói.
KCI hiện là một trong ba tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thông tin tín dụng tại Việt Nam. Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 1, sự xuất hiện của các công ty như KCI là tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính, góp phần thúc đẩy minh bạch, chuẩn hóa dữ liệu và tăng hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi số chóng mặt trong ngành tài chính - ngân hàng cũng bộc lộ nhiều thách thức. Tháng 5 vừa qua, Công an tỉnh Thái Bình đã triệt phá một đường dây làm giả video khuôn mặt để đánh lừa hệ thống xác thực giao dịch sinh trắc học của ngân hàng. Tại sự kiện "Chuyển đổi số ngành ngân hàng 2025", đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết còn xuất hiện tình trạng cho thuê khuôn mặt nhằm thực hiện hành vi lừa đảo – các đối tượng cầm đầu sẽ thuê người đứng tên tài khoản, sau đó dùng khuôn mặt họ để vượt qua xác thực sinh trắc khi chuyển tiền.
.jpg)
Trước thực trạng này, ông Đỗ Ngọc Thiện cho rằng nguyên nhân đến từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật và bảo mật cá nhân của người dùng, cùng với việc các tiêu chuẩn AI còn thiếu sự đồng bộ giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. “Một số hệ thống vẫn tồn tại kẽ hở bảo mật, khiến tội phạm công nghệ cao có thể khai thác. Dù vậy, tỷ lệ sai sót của AI vẫn thấp hơn nhiều so với quy trình thủ công, nên việc tích hợp công nghệ vẫn là hướng đi đúng”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Thiện, điều quan trọng hiện nay là hoàn thiện hành lang pháp lý cho AI trong lĩnh vực tài chính, trong đó Ngân hàng Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong việc đưa ra các chuẩn mực ứng dụng. “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu. Nếu Việt Nam không nắm bắt cơ hội này, chúng ta sẽ tụt hậu về hiệu quả vận hành, chi phí quản lý và năng lực kiểm soát rủi ro”, ông nói thêm.
Link bài gốcCoppy
https://vnexpress.net/dung-ai-cham-diem-tin-dung-4894135.html