Bỏ đề xuất phạt tù chung thân không giảm án
(NS) - Trong dự thảo mới nhất, Chính phủ không đề xuất áp dụng hình phạt tù chung thân không xét giảm án vào danh mục các hình phạt với tội phạm.
Chiều 10/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự. Theo dự thảo trình tại đợt một của kỳ họp, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình, thay bằng tù chung thân không xét giảm án với tám tội danh, gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).
Tuy nhiên, tại dự thảo mới nhất, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho biết trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã bỏ các quy định liên quan đến hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Trong khi đó, đề xuất bỏ hình phạt tử hình với tám tội danh vẫn được giữ nguyên như dự thảo lần một.
Dẫn chứng các hình thức thi hành hình phạt tử hình trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang theo hướng ngày một nhân đạo hơn, ông Hùng cho biết đề xuất bỏ án tử hình với tám tội danh được căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; tầm quan trọng của khách thể được pháp luật bảo vệ; cũng như khả năng khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Kết quả tổng kết công tác thi hành Bộ luật Hình sự cho thấy nhiều tội danh có quy định về hình phạt tử hình nhưng thực tế không áp dụng trong thời gian qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban nhất trí với việc Chính phủ rút đề xuất về hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, trong trường hợp cần thiết có thể đề xuất sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự.
Về đề xuất bỏ án tử hình đối với tám tội danh, ông Tùng cho hay, qua thảo luận có hai luồng ý kiến khác nhau. Bên cạnh ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, một số đại biểu cho rằng chỉ nên bỏ hình phạt tử hình với bốn tội danh: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Gián điệp; Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược. Với bốn tội danh còn lại, các đại biểu đề nghị giữ nguyên mức án cao nhất.
Trước đó nửa tháng, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án luật này (ngày 27/5), đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An) đề nghị cân nhắc việc áp dụng hình phạt chung thân không xét giảm án vì theo bà, hình phạt này "chưa chắc nhân văn hơn tử hình".
Bà Dung phân tích, người bị tuyên án tử hình có thể được giảm án thành chung thân nếu được Chủ tịch nước xét ân xá, đặc xá. Trong khi đó, án tù chung thân không xét giảm án đồng nghĩa với việc phạm nhân phải ở trong tù đến hết đời, làm mất đi động lực và ý nghĩa cải tạo, dễ khiến phát sinh tâm lý tiêu cực, không muốn chấp hành án. Ngoài ra, quy định này còn có thể tạo thêm gánh nặng cho ngân sách và hệ thống giam giữ của Nhà nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định, "phạt tù chung thân không giảm án chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh này". Bởi thực tế, án tù chung thân vốn đã rất khó được giảm án, trừ khi phạm nhân có biểu hiện cải tạo tốt, lập công lớn hoặc có quyết tâm hoàn lương thực sự.
Theo ông Nghĩa, nếu áp dụng án chung thân không giảm án, Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng và bảo vệ phạm nhân suốt đời, trong khi người thụ án lại mất đi hy vọng cải tạo, hoàn lương. "Chính sách này không có tác dụng tích cực đối với các phạm nhân và gia đình họ", ông nói.
Dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua vào đợt hai của kỳ họp.