2025-05-09 11:27:30

Công chức mất việc, ai bảo vệ? Đề xuất mở rộng bảo hiểm thất nghiệnghi

(NS) - Trước thực tế tinh giản biên chế và thay đổi chính sách biên chế suốt đời, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả cán bộ, công chức, để bảo đảm công bằng và an sinh xã hội trong khu vực công.

 

Theo Luật Việc làm năm 2013 (hiện vẫn còn hiệu lực), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách bắt buộc áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng xác định hoặc không xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức không thuộc nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHTN. Điều này đang đặt ra nhiều băn khoăn trong bối cảnh tinh giản biên chế, cải cách bộ máy nhà nước ngày càng được đẩy mạnh.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, một số đại biểu đã kiến nghị sửa đổi Luật Việc làm để bổ sung cán bộ, công chức vào nhóm đối tượng tham gia BHTN.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng cán bộ, công chức thực chất cũng là người lao động. Trong quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy, họ cũng có thể rơi vào tình trạng mất việc dù vẫn còn khả năng lao động. Do đó, cần có chính sách bảo hiểm phù hợp để hỗ trợ họ khi không còn tiếp tục công vụ.

Ông đề xuất nên mở rộng chính sách BHTN cho nhóm cán bộ, công chức và viên chức như một hình thức bảo vệ quyền lợi chính đáng, trong bối cảnh chuyển đổi cơ cấu và nâng cao hiệu lực bộ máy.

Cán bộ, công chức được đề xuất tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 

 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (tỉnh Bình Dương) cho rằng việc hủy bỏ chính sách “biên chế suốt đời” đang được cân nhắc trong sửa đổi Luật Cán bộ, công chức, có thể khiến nhiều người phải rời khỏi vị trí công vụ nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong bối cảnh đó, BHTN không chỉ giúp bảo đảm công bằng về tiếp cận chính sách an sinh xã hội mà còn khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đây là bước đi chủ động của Nhà nước nhằm bảo vệ người lao động trong khu vực công, phù hợp với điều kiện mới” – bà Trân nhấn mạnh.

Thực tế, tại nhiều địa phương, việc tinh gọn bộ máy hành chính đang diễn ra mạnh mẽ. Ông N.V.L, một công chức tại huyện Hóc Môn, TP HCM, chia sẻ rằng các chính sách hỗ trợ hiện nay chủ yếu mang tính đặc thù trong giai đoạn chuyển tiếp. Nhưng về lâu dài, nếu biên chế suốt đời bị bãi bỏ, việc bố trí – sử dụng công chức theo yêu cầu vị trí việc làm và năng lực thực thi sẽ dẫn đến một số người buộc phải nghỉ việc.

Nếu không có chính sách BHTN, công chức nghỉ việc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi không đủ điều kiện tiếp cận các hỗ trợ khác” – ông L. nhận định.

Việc mở rộng BHTN cho khu vực công không chỉ là vấn đề kỹ thuật lập pháp, mà còn phản ánh cách tiếp cận công bằng, bao trùm của hệ thống an sinh xã hội trong bối cảnh cải cách toàn diện nền hành chính công.