2025-05-07 16:47:24

Từ tâm lý hoảng loạn đến kiến thức đúng: Cách bảo vệ mình khỏi đột quỵ

(NS) - Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế. Tuy có thể phòng ngừa bằng kiểm soát yếu tố nguy cơ, nhưng nhiều người vẫn sống trong nỗi lo mơ hồ, dẫn đến những hành vi phòng bệnh sai lệch, thậm chí rơi vào bẫy lừa đảo y tế.

 

Thấp thỏm vì nỗi lo mơ hồ

Ông Nguyễn Văn Sơn (60 tuổi, ngụ tại TP.HCM) mắc bệnh tiểu đường đã 5 năm, được bác sĩ đánh giá điều trị ổn định. Tuy nhiên, vợ ông lại thường xuyên sống trong lo sợ đột quỵ do nghe nhiều thông tin về biến chứng tiểu đường. Bất kỳ sản phẩm nào được quảng cáo là “phòng ngừa đột quỵ”, bà đều mua về sử dụng cho cả nhà, từ thuốc tễ không rõ nguồn gốc đến các loại thực phẩm chức năng đắt tiền.

Tôi nói bác sĩ đã kiểm soát ổn, không cần lo. Nhưng bà nhà tôi cứ sợ, mới đây còn bỏ 2,4 triệu mua hai viên thuốc để uống ‘ngừa đột quỵ suốt đời’”, ông Sơn chia sẻ.

Không chỉ người lớn tuổi, nỗi sợ đột quỵ còn len lỏi vào những người trẻ. Chị Nguyễn Thanh Liên (35 tuổi, công nhân ở Đồng Nai) liên tục mất ngủ sau khi bạn thân bị đột quỵ giữa đêm. Vừa sinh con đầu lòng, chị càng lo lắng vì sợ mình bị bất trắc, con nhỏ không ai chăm sóc. Bất an kéo dài khiến chồng chị phải đưa đi khám tổng quát và tầm soát đột quỵ theo yêu cầu – một khoản chi phí không nhỏ đối với thu nhập công nhân.

Tâm lý sợ hãi quá mức khiến nhiều người dễ tin vào quảng cáo sai sự thật. Chị T.H. (ngụ tại TP.HCM) từng phải vất vả thuyết phục cha không chi hàng trăm triệu đồng để “tiêm thuốc phòng đột quỵ suốt đời” theo lời một “thầy thuốc”. “Họ nói phải tiêm 20 mũi giá gần nửa tỷ đồng là khỏi lo đột quỵ cả đời. May mà tôi can kịp”, chị kể.

Đột quỵ không phải chuyện ngẫu nhiên

Những nguyên nhân thường gặp làm tăng nguy cơ đột quỵ.

 

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng – Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (Bệnh viện Nhân dân 115), khoảng 90% các ca đột quỵ đều có yếu tố nguy cơ xác định được. Nghĩa là đột quỵ không phải do “trời kêu ai nấy dạ”, mà hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu người bệnh kiểm soát tốt các bệnh nền và điều chỉnh lối sống.

TS-BS CK2 Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế – Giám đốc điều hành Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng cho rằng tâm lý sợ hãi quá mức đang khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng thường trực, ăn gì cũng sợ, đi đâu cũng dè chừng. “Sợ đột quỵ không khác gì sợ ma, vì chưa hiểu đúng bản chất”, ông nhận định.

Theo thống kê tại Việt Nam, đa số bệnh nhân đột quỵ có ít nhất một yếu tố nguy cơ:

  • 72,5% tăng huyết áp

  • 64,9% rối loạn mỡ máu

  • 53,4% từng uống rượu

  • 49,6% có tiền sử hút thuốc lá

Ngoài ra, các yếu tố phổ biến khác bao gồm: hút thuốc, ít vận động, béo phì (BMI cao), đái tháo đường, tăng cholesterol, rối loạn chức năng thận, ô nhiễm không khí

Trung bình, cứ 3 giây thế giới ghi nhận một ca đột quỵ mới. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều ca nhập viện đã vượt “thời gian vàng” (dưới 3–6 giờ đầu), khiến khả năng hồi phục giảm đáng kể, dễ dẫn đến tàn phế.

Dấu hiệu đột quỵ dễ nhớ theo quy tắc F.A.S.T: méo miệng, yếu tay chân, nói khó, gọi cấp cứu ngay. Càng sớm, càng cứu được người.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh: “Người dân nên kiểm soát tốt huyết áp, tiểu đường, mỡ máu; duy trì vận động hợp lý, ăn uống lành mạnh, hạn chế bia rượu và bỏ hẳn thuốc lá. Đồng thời, cần trang bị kiến thức để nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ như méo miệng, nói đớt, yếu tay chân một bên… và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh trong thời gian ngắn nhất”.

Trong kỷ nguyên mà thông tin tràn ngập và quảng cáo dễ đánh trúng tâm lý sợ hãi, người dân cần được hướng dẫn bài bản, khoa học để hiểu đúng về đột quỵ. Phòng bệnh không phải bằng một mũi tiêm hay một viên thuốc, mà bằng lối sống lành mạnh, kiểm soát yếu tố nguy cơ và hành động kịp thời khi có dấu hiệu cảnh báo.

Kiến thức chính là “lá chắn” đầu tiên và hiệu quả nhất để phòng tránh đột quỵ – căn bệnh tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn không phải không kiểm soát được.