Ngâm lá rừng để "rút độc", cụ ông suýt mất chân
(NS) - Hà Nội – Một người đàn ông 70 tuổi nhập viện trong tình trạng hoại tử bàn chân nặng sau khi tự ngâm nước lá và củ rừng tại nhà với hy vọng "rút độc". Trước đó, ông chỉ bị sưng đau chân nhưng không đi khám, tự điều trị theo lời mách của hàng xóm.
Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường suốt 12 năm và nghiện thuốc lào lâu năm. Nghe lời khuyên dân gian, ông dùng nước lá, củ rừng ngâm chân tại nhà trong ba ngày liên tiếp. Tuy nhiên, thay vì cải thiện, vết thương ngày càng nặng, sưng tấy, mưng mủ và có mùi hôi. Khi nhập viện cấp cứu, tổn thương đã lan rộng và có dấu hiệu hoại tử nặng.
Ngày 10/6, bác sĩ Dương Minh Tuấn, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân hiện đang được theo dõi sát và xử lý vết thương tích cực. Tuy nhiên, do bệnh nền lâu năm và biến chứng nhiễm trùng lan rộng, nguy cơ cắt cụt chi rất cao.
Đái tháo đường là bệnh mạn tính phổ biến và đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu. Theo tạp chí Lancet, tỷ lệ mắc tiểu đường đã tăng gấp đôi trong vòng 30 năm, từ 7% lên 14% dân số, tương đương hơn 800 triệu người. Tỷ lệ gia tăng nhanh nhất ghi nhận ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Việt Nam, khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Trong số này, hơn 55% đã xuất hiện các biến chứng, bao gồm 34% biến chứng tim mạch, 39% về mắt và thần kinh, 24% tổn thương thận. Những biến chứng này không chỉ làm tăng gánh nặng y tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh.
Từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ mắc bệnh ở độ tuổi từ 20 đến 79 đã tăng gấp ba lần. Chi phí điều trị cũng tăng mạnh, nhất là trong 15 năm gần đây. Đáng chú ý, nhiều người mắc bệnh nhưng không được chẩn đoán do không đi khám hoặc chủ quan trước các dấu hiệu bất thường, dẫn đến phát hiện muộn và điều trị không kịp thời.
Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng ngừa thông qua chế độ sinh hoạt khoa học: ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn và loại bỏ các yếu tố nguy cơ. Người dân được khuyến khích xét nghiệm đường huyết định kỳ hàng năm để phát hiện sớm bệnh hoặc tình trạng tiền đái tháo đường.
Bác sĩ cảnh báo, người tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến đôi chân của mình. Các vết trầy xước nhỏ nếu không được điều trị đúng cách có thể trở thành ổ nhiễm trùng, dẫn tới hoại tử. Không nên tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Việc kiểm soát đường huyết chặt chẽ, ngưng thuốc lá, khám định kỳ chuyên khoa nội tiết và tim mạch là rất cần thiết.
Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm tra bàn chân mỗi ngày, sử dụng giày dép phù hợp, và đến bệnh viện sớm ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường như sưng, nóng đỏ, đau hay vết loét chậm lành.