Mất ngủ – “sát thủ âm thầm” tàn phá sức khỏe thể chất và tinh thần
(NS) - Tình trạng mất ngủ ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong nhóm người trẻ, người lao động trí óc và người lớn tuổi. Stress kéo dài, thói quen sinh hoạt thiếu điều độ và lạm dụng thiết bị điện tử ban đêm đang khiến giấc ngủ – yếu tố thiết yếu của sức khỏe – bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Đoàn Thị Huệ, công tác tại Viện Sức khỏe Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai, mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ thường gặp ở mọi lứa tuổi, từ học sinh, người đi làm đến người cao tuổi. Thống kê cho thấy gần 1/3 dân số từng gặp tình trạng mất ngủ, song chỉ khoảng 6-15% trong số đó được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Rối loạn giấc ngủ làm giảm chất lượng, thời lượng và hiệu quả của giấc ngủ, kéo theo mệt mỏi ban ngày, giảm khả năng học tập và làm việc. Về lâu dài, tình trạng này có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề thể chất và tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn nhận thức, tim mạch, tiểu đường, Parkinson và sa sút trí tuệ.
Trong các dạng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ là phổ biến nhất. Nhóm người có nguy cơ cao bao gồm: người làm việc theo ca, học sinh chịu áp lực học hành, phụ nữ tiền mãn kinh, người cao tuổi và những ai thường xuyên chịu căng thẳng kéo dài.
Một ví dụ điển hình là người phụ nữ 40 tuổi tại Hà Nội – trước kia có cuộc sống ổn định và sức khỏe tốt – nhưng sau khi đối mặt với áp lực công việc và chuyện học hành của con cái, đã rơi vào trạng thái khó ngủ liên tục. Từ việc đi ngủ muộn, chị chuyển sang mất ngủ kéo dài, thức giấc giữa đêm và không thể ngủ lại.

Dù có thời gian nghỉ ngơi vào ban ngày, chị vẫn không thể chợp mắt. Tình trạng này khiến sức khỏe sa sút, tâm lý bất ổn, công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc tự ý sử dụng thuốc ngủ ban đầu khiến chị cảm thấy uể oải cả ngày và phải ngưng dùng.
Khi đến điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần, chị được chẩn đoán mắc chứng mất ngủ không thực tổn. Bác sĩ Phạm Công Huân cho biết, bệnh nhân cần được điều trị toàn diện gồm thuốc, luyện tập thể chất, thư giãn và liệu pháp tâm lý. Sau hai tuần can thiệp, chị đã có thể ngủ được 5–6 tiếng mỗi đêm và cải thiện rõ rệt.
Bác sĩ Huân nhận định, có đến 80% trường hợp mất ngủ có liên quan đến stress kéo dài, trong đó những người sống nội tâm thường dễ tích tụ áp lực hơn. Ngoài ra, lối sống hiện đại thiếu điều độ, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều vào buổi tối cũng góp phần lớn gây rối loạn giấc ngủ. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, máy tính bảng làm rối loạn đồng hồ sinh học và giảm tiết hormone melatonin – yếu tố quan trọng điều chỉnh giấc ngủ.
Bác sĩ Huệ cũng lưu ý, nhiều người ngần ngại dùng thuốc điều trị mất ngủ vì sợ phụ thuộc. Tuy nhiên, trong y học hiện đại, việc sử dụng thuốc kết hợp liệu pháp điều chỉnh hành vi và thần kinh là một hướng điều trị hiệu quả, miễn là dùng đúng loại, liều lượng và tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Giấc ngủ không chỉ là thời gian cơ thể nghỉ ngơi mà còn là giai đoạn quan trọng để tái tạo năng lượng, phục hồi chức năng và duy trì sức khỏe toàn diện. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu tình trạng khó ngủ kéo dài trên ba đêm mỗi tuần kèm theo triệu chứng mệt mỏi, mất tập trung, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần hoặc thần kinh để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ, cần thiết lập “vệ sinh giấc ngủ” lành mạnh: tập thở sâu, thư giãn cơ trước khi ngủ, không ăn quá no vào buổi tối, tránh uống cà phê sau 3 giờ chiều và hạn chế ánh sáng từ điện thoại hoặc máy tính ít nhất một giờ trước khi đi ngủ.
Link bài gốcCoppy
https://vnexpress.net/suc-khoe-cam-nang-mat-ngu-sat-thu-am-tham-voi-suc-khoe-4896678.html