Với tinh thần không chủ quan với dịch, các giải pháp đã được Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ, khẩn trương, quyết liệt. Trong đó có việc triển khai mạnh các giải pháp để khơi thông xuất khẩu, đặc biệt là xử lý các vấn đề ở các cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông xuất nhập khẩu với Trung Quốc, song song với đó là tìm thị trường thay thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, tới nay hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đã từng bước được tháo gỡ và đi vào hoạt động thuận lợi hơn.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa. Nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội do Hiệp định này mang lại. Chỉ đạo các Thương vụ tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế, tới đây, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng, các bộ, ngành liên quan, trực tiếp là Bộ Công Thương cần tiếp tục chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa.
Tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới cho doanh nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu... Bên cạnh đó, cần chú trọng khai thác các lợi thế từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do. Thống kê cho thấy, trong năm 2019, mặc dù Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đưa vào thực thi chưa đủ 1 năm, kim ngạch của Việt Nam với các nước trong thị trường CPTPP có mức tăng trưởng khá, đặc biệt 2 thị trường trước đây chưa có Hiệp định thương mại tự do là Canada và Mexico đều tăng ở mức từ 26-29%.
Trước đây, với tổng thể thị trường CPTPP, Việt Nam nhập siêu ở mức 0,9 tỷ USD, năm 2019 xuất siêu 1,6 tỷ USD. Kết quả này cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 của cả nước có sự đóng góp tích cực của quá trình thực thi CPTPP. Do vậy, việc tiếp tục tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đang tham gia như CPTPP hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là vô cùng quan trọng. Trong đó, cần coi trọng Hiệp định EVFTA để tập trung nghiên cứu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi các cam kết của Hiệp định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả cơ hội trong thời gian tới.