2025-06-09 15:05:50

Nước tiểu nổi bọt có phải dấu hiệu suy thận?

(NS) - Nước tiểu nổi bọt là hiện tượng không hiếm gặp, tuy nhiên trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của các bệnh lý liên quan đến thận, trong đó có suy thận. Việc theo dõi và xác định nguyên nhân của hiện tượng này là điều cần thiết để phát hiện và can thiệp kịp thời nếu có bất thường.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Diễm Hương (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3), hiện tượng tiểu bọt xảy ra khi nước tiểu xuất hiện nhiều bọt nhỏ, đôi khi nổi lâu và không tan. Tình trạng này thường dễ nhận thấy khi đi tiểu trực tiếp vào bồn cầu hoặc vật chứa có mặt phẳng nước.

Bác sĩ Hương cho biết: "Nước tiểu nổi bọt có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý thận, bao gồm cả suy thận, nhưng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc mắc bệnh. Cần xem xét nhiều yếu tố đi kèm để xác định chính xác nguyên nhân."

Tiểu bọt nếu xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý thì cần thăm khám và theo dõi
ẢNH MINH HỌA: AI

Trên thực tế, tiểu bọt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Trong các trường hợp sinh lý, đây không phải là dấu hiệu đáng lo ngại. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

Tiểu quá mạnh, tia nước có áp lực lớn tạo ra nhiều bọt.

Mất nước nhẹ khiến nước tiểu cô đặc, dễ tạo bọt.

Chế độ ăn nhiều đạm (protein) trong bữa ăn gần nhất.

Tuy nhiên, nếu hiện tượng nước tiểu nổi bọt kéo dài, không biến mất sau khi đã uống đủ nước, đặc biệt đi kèm các dấu hiệu khác thì cần hết sức lưu ý. Một số nguyên nhân bệnh lý cần được theo dõi bao gồm:

Protein niệu (đạm trong nước tiểu): Thường gặp trong các bệnh viêm cầu thận, hội chứng thận hư hoặc là dấu hiệu sớm của suy thận.

Bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường gây ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận.

Viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng đường tiểu.

Một số trường hợp liên quan đến xơ gan, đặc biệt là giai đoạn mất bù.

Bạn nên đến cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm khi hiện tượng nước tiểu nổi bọt kéo dài nhiều ngày không thuyên giảm, kể cả khi đã uống đủ nước. Đặc biệt cần cảnh giác nếu đi kèm các triệu chứng như: mệt mỏi, phù mặt, phù chân, tiểu ít, huyết áp cao, chán ăn hoặc có tiền sử bệnh lý nền như đái tháo đường, cao huyết áp, lupus ban đỏ...

Các xét nghiệm cần thiết bao gồm:

Tổng phân tích nước tiểu: nhằm kiểm tra lượng protein niệu, hồng cầu, bạch cầu trong nước tiểu.

Xét nghiệm chức năng thận: gồm creatinin, ure máu, và tính độ lọc cầu thận (eGFR).

Siêu âm thận: được chỉ định nếu có nghi ngờ tổn thương thực thể.

Bác sĩ Diễm Hương nhấn mạnh: "Nước tiểu nổi bọt không khẳng định chắc chắn là suy thận, nhưng là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc kèm theo triệu chứng bất thường, người bệnh nên chủ động khám sớm để có thể được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời."