2025-06-02 14:40:19

Thịt lợn bệnh – mối nguy nhiễm độc kể cả khi nấu chín

(NS) - Thịt lợn có nguồn gốc từ con vật bị bệnh hoặc chết do bệnh lý có thể chứa các loại vi khuẩn, ký sinh trùng và độc tố nguy hiểm cho sức khỏe. Đáng lo ngại, nhiều chất độc vẫn tồn tại dù đã nấu ở nhiệt độ cao, gây rủi ro ngộ độc cấp và tổn thương nội tạng nếu tiêu thụ thường xuyên.

Gần đây, mạng xã hội lan truyền một đơn tố cáo từ người tự xưng là cựu nhân viên tại một công ty sản xuất thực phẩm. Trong đơn, người này phản ánh rằng trong quá trình làm việc đã nhiều lần phát hiện thịt heo, gà có dấu hiệu nhiễm bệnh như nổi hột, áp xe, mưng mủ hoặc có mùi hôi, nhưng vẫn bị yêu cầu bán ra thị trường. Một số phần thịt được cho là có bệnh còn bị bán lại với giá rẻ để làm lạp xưởng. Cơ quan chức năng hiện đã vào cuộc kiểm tra, xác minh nhưng chưa đưa ra kết luận chính thức.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, chuyên khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trên thực tế không hiếm trường hợp người tiêu dùng mua phải thịt lợn chết hoặc lợn bệnh. Loại thịt này tiềm ẩn nhiều vi khuẩn, virus và ký sinh trùng nguy hiểm. Khi con người tiêu thụ thịt có nguồn gốc từ động vật mắc bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh truyền nhiễm hoặc ngộ độc thực phẩm là rất cao.

Các loại vi khuẩn thường tồn tại trong thịt bệnh bao gồm Salmonella, E.coli, Listeria, có thể gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao. Trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai là những nhóm có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng nếu nhiễm phải các vi khuẩn này.

Ngoài ra, thịt lợn bệnh còn có thể chứa ký sinh trùng như giun xoắn, sán dây lợn. Khi ăn thịt nhiễm ký sinh trùng chưa được nấu chín kỹ, người tiêu dùng có thể bị nhiễm ấu trùng sán, dẫn tới tổn thương cơ, mắt hoặc thần kinh trung ương. Một số virus như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi hay liên cầu khuẩn lợn không lây trực tiếp qua đường tiêu hóa nhưng vẫn có khả năng truyền nhiễm qua tiếp xúc khi chế biến, đặc biệt nếu không đảm bảo vệ sinh cá nhân và dụng cụ bếp.

Nhãn

Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh lưu ý rằng độc tố sinh ra từ xác lợn chết hoặc lợn bệnh, chẳng hạn histamine, endotoxin, mycotoxin, là những hợp chất không bị phá hủy hoàn toàn dù được nấu ở nhiệt độ 100 độ C. Khi ăn phải thịt chứa các độc tố này, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp với triệu chứng như nôn dữ dội, tiêu chảy, sốt, đau bụng và tụt huyết áp. Trường hợp nặng có thể dẫn tới sốc nhiễm độc, đe dọa tính mạng.

Không chỉ gây tác động cấp tính, nếu tiếp xúc lâu dài với lượng nhỏ độc tố, cơ thể có thể bị tổn thương gan, thận, làm suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí tăng nguy cơ ung thư. Đặc biệt, nhiều loại độc tố không làm thay đổi đáng kể mùi hay màu sắc của thịt, khiến người tiêu dùng dễ chủ quan khi chọn mua.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách khoa Hà Nội, cảnh báo thêm rằng thịt lợn có đốm trắng li ti trên thớ thịt có thể là dấu hiệu nhiễm sán. Đó là ấu trùng sán gạo, có hình dạng giống hạt gạo, trắng đục, cứng, chứa dịch và đầu sán bên trong. Những ấu trùng này thường ký sinh ở các nhóm cơ hoạt động nhiều như vai, đùi, chân, cơ hoành hoặc gốc lưỡi.

Thịt nhiễm sán thường có mùi vị lạ, không đảm bảo an toàn và còn tiềm ẩn nguy cơ bị xử lý hóa chất bảo quản không đúng quy chuẩn nếu được đưa ra thị trường tiêu thụ. Dù lợn nuôi công nghiệp hiếm khi mắc loại ký sinh trùng này, song vẫn có thể gặp ở lợn thả rông hoặc các kênh cung cấp thịt không kiểm soát.

Để phòng ngừa nguy cơ, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn mua thịt lợn tại các địa điểm uy tín, có kiểm dịch rõ ràng. Cần tránh các loại thịt tái nhợt, bầm tím, chảy nước, bốc mùi lạ hoặc có dấu hiệu da nổi đốm xuất huyết. Thịt cần được nấu chín hoàn toàn, tuyệt đối không ăn tái hoặc chế biến theo các món sống như tiết canh, nem chua.

Thịt lợn tươi đạt chuẩn thường có màu đỏ hồng hoặc đỏ đậm, khô ráo, mỡ chắc, mùi tự nhiên, không dính tay và không để lại dấu vết khi ấn. Sau khi luộc, thịt đạt chất lượng thường cho nước dùng trong, thơm và có lớp mỡ nổi rõ.

Khi chế biến, cần tách biệt hoàn toàn dao, thớt và dụng cụ cho thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo. Người nội trợ cũng nên rửa tay sạch sẽ trước và sau khi sơ chế. Không nên vì giá rẻ mà đánh đổi sức khỏe. Trong bối cảnh thực phẩm bẩn vẫn còn hiện hữu và khó kiểm soát hoàn toàn, việc lựa chọn thông minh và kiến thức an toàn thực phẩm sẽ là lớp bảo vệ thiết thực nhất cho mỗi gia đình.