TP HCM kỳ vọng cú hích hạ tầng từ mô hình đô thị nén TOD
(NS) - Sau nhiều năm nghiên cứu, TP HCM đang từng bước triển khai mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (Transit-Oriented Development - TOD), kỳ vọng tạo nên đột phá trong quy hoạch hạ tầng và tái cấu trúc không gian đô thị.
Ý tưởng TOD manh nha từ hơn một thập kỷ trước, khi tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên bắt đầu được xây dựng. Thời điểm đó, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn từng đề xuất điều chỉnh vị trí ga Tân Cảng để kết nối trực tiếp với khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh), nơi tập trung đông dân cư và nhiều văn phòng, trung tâm thương mại. Đề xuất nhằm giúp người dân tiếp cận metro thuận tiện hơn, tối ưu hiệu quả khai thác tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP HCM.

Tuy nhiên, phương án này không được chấp thuận. Ga Tân Cảng vẫn được xây dựng gần chân cầu Sài Gòn theo quy hoạch ban đầu, nằm cách biệt khu đô thị rộng gần 44 ha đối diện – nơi hiện quy tụ hàng chục cao ốc, trong đó có tòa nhà Landmark 81 cao nhất Việt Nam.
“Nếu nhà ga được đặt bên trong khu Vinhomes, mô hình đô thị nén tích hợp giao thông công cộng đã có thể hình thành sớm và bài bản, giúp cư dân tiếp cận metro dễ dàng mà không cần băng qua các trục đường lớn thường xuyên ùn tắc như Nguyễn Hữu Cảnh hay Điện Biên Phủ”, ông Sơn phân tích.
Theo ông, TP HCM từng có cơ hội phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng ngay từ đầu nhưng đã bỏ lỡ do thiếu tầm nhìn quy hoạch. Trong bối cảnh hiện nay, với việc mạng lưới metro đang được mở rộng và các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 và 188, thành phố có điều kiện thuận lợi hơn để hiện thực hóa mô hình TOD.
Mô hình TOD hướng đến phát triển đô thị đa chức năng với mật độ cao trong bán kính đi bộ quanh các nhà ga metro hoặc trạm trung chuyển. TOD bao gồm các tòa nhà cao tầng kết hợp thương mại, văn phòng, nhà ở, cùng hệ thống tiện ích giáo dục, y tế, thể thao… nhằm đảm bảo khả năng kết nối tối ưu với hệ thống giao thông công cộng.
.jpg)
Trên thế giới, nhiều đô thị lớn như London (Anh), Hong Kong hay Quảng Châu (Trung Quốc) đã áp dụng thành công mô hình TOD. Tuy nhiên, tại Việt Nam, TOD mới dừng lại ở giai đoạn thí điểm và chưa có quy hoạch tổng thể.
Mới đây, TP HCM đã lên kế hoạch phát triển mô hình này tại 11 khu đất dọc theo các tuyến metro và đường Vành đai 3, đồng thời đang xem xét thêm 35 vị trí khác với tổng diện tích gần 7.400 ha. Đáng chú ý, một doanh nghiệp đã đề xuất đầu tư khu TOD rộng 51 ha tại khu vực Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), với tổng vốn đầu tư sơ bộ lên tới 216.000 tỷ đồng (hơn 8,5 tỷ USD).
“Mô hình TOD nếu được triển khai thành công sẽ giúp thành phố khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn lực tài chính lớn để tái đầu tư hạ tầng, đồng thời góp phần định hình lại cấu trúc đô thị và giao thông”, ông Sơn nhận định. Dù vậy, ông cho rằng việc vận dụng mô hình này hiện vẫn là bài toán khó do mới chỉ có khung pháp lý sơ khởi.
Từ kinh nghiệm tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên, ông Sơn cho rằng TP HCM cần thay đổi tư duy quy hoạch, theo hướng tích hợp giao thông công cộng và không gian đô thị ngay từ đầu, thay vì quy hoạch rời rạc như trước. Việc này càng cấp thiết khi thành phố đang mở rộng kết nối với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, đòi hỏi tầm nhìn quy hoạch dài hạn và đồng bộ.
PGS.TS Vũ Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải, Trường Đại học Việt Đức – đánh giá TOD là lựa chọn tất yếu với TP HCM, trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư cho mạng lưới metro đến năm 2035 ước tính hơn 40 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông, rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở hành lang pháp lý chưa rõ ràng và cơ chế điều phối còn phân tán.
“TOD liên quan đến nhiều lĩnh vực và chịu ảnh hưởng lớn từ biến động thị trường, do đó cần một cơ quan đầu mối có đủ thẩm quyền để điều phối toàn bộ quá trình thực hiện”, ông Tuấn nói.
.jpg)
Ông đề xuất thành lập Hội đồng Phát triển TOD do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, đồng thời giao Sở Xây dựng hoặc Ban Quản lý Đường sắt đô thị làm cơ quan thường trực. TP HCM cũng cần sớm ban hành khung pháp lý về đất đai trong các khu TOD, thiết lập cơ chế hợp tác công – tư thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào đấu giá đất, tránh nguy cơ thất thoát nguồn lực.
Theo TS Nguyễn Quốc Hiển – Phó Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, TOD mang lại nhiều lợi ích, từ việc phát triển đô thị nén, tăng doanh thu cho metro đến mở rộng cơ hội đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc triển khai mô hình này không hề đơn giản, đòi hỏi một đơn vị đủ năng lực chuyên môn và quyền hạn điều phối.
Ông Hiển dẫn ví dụ quốc tế cho thấy, tại nhiều nước, vai trò “nhạc trưởng” của mô hình TOD có thể thuộc về chính phủ, chính quyền địa phương, hoặc doanh nghiệp xây dựng – vận hành đường sắt. Thậm chí, một số nơi còn cho phép doanh nghiệp tư nhân chủ động đề xuất, khảo sát và triển khai dự án.
“Hiện nay, các ban quản lý và doanh nghiệp vận hành metro tại TP HCM vẫn chưa đủ năng lực để gánh vác vai trò điều phối tổng thể. Thành phố cần sớm xác lập một đầu mối đủ mạnh để phát triển mô hình TOD một cách hiệu quả, từ đó tối ưu hóa tài nguyên đất và hạ tầng giao thông”, ông Hiển nhấn mạnh.
Link bài gốcCoppy
https://vnexpress.net/giao-thong-tp-hcm-ky-vong-dot-pha-tu-cu-hich-do-thi-nen-4894411.html