2025-06-12 09:55:20

Toàn bộ 12 thành viên Hội đồng Học bổng Fulbright tại Mỹ đồng loạt từ chức

(NS) - Toàn bộ 12 thành viên của Hội đồng Học bổng Nước ngoài Fulbright (FFSB) tại Mỹ đã đồng loạt nộp đơn từ chức trong bối cảnh bất đồng với chính sách của chính quyền đương nhiệm, cho rằng các hành động gần đây làm tổn hại đến sự liêm chính của chương trình và vi phạm pháp luật liên bang.

Trong thông cáo đăng trên nền tảng Substack ngày 11/6, các thành viên FFSB tuyên bố quyết định từ chức thể hiện sự phản đối tập thể đối với “các hành động chưa từng có tiền lệ” từ chính phủ, mà họ cho là “trái luật, làm tổn hại lợi ích quốc gia và tính toàn vẹn của nước Mỹ, cũng như sứ mệnh của chương trình Fulbright được quốc hội Mỹ trao gửi gần 80 năm qua”.

Hội đồng nhấn mạnh rằng khi thành lập chương trình Fulbright, quốc hội đã giao cho FFSB vai trò là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc phê duyệt ứng viên sau quá trình tuyển chọn kéo dài một năm, được thực hiện bởi Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán Mỹ trên toàn thế giới. Việc lựa chọn ứng viên được thực hiện dựa trên đánh giá độc lập, phi chính trị và dựa vào năng lực học thuật.

Tuy nhiên, các thành viên hội đồng cho biết chính quyền hiện tại đã can thiệp trực tiếp vào quy trình này bằng cách từ chối cấp học bổng Fulbright cho một số lượng đáng kể cá nhân đã được duyệt. Những người bị từ chối học bổng dự kiến theo đuổi các lĩnh vực đa dạng như sinh học, kỹ thuật, kiến trúc, nông nghiệp, khoa học cây trồng, khoa học động vật, hóa sinh, khoa học y tế, âm nhạc và lịch sử.

Khuôn viên Đại học California ở Los Angeles, Mỹ. Ảnh: UCLA Fanpage

Thông cáo cũng cho biết chính phủ Mỹ đang tiến hành một cuộc “rà soát không được yêu cầu” với hơn 1.200 người nước ngoài nhận học bổng Fulbright, điều mà các cựu thành viên cho là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tự do học thuật và quyền tự do ngôn luận.

“Chúng tôi tin rằng những hành động này không chỉ trái với luật pháp liên bang mà còn phản bội sứ mệnh mà chương trình Fulbright đã thực hiện suốt hàng chục năm – thúc đẩy giao lưu học thuật và ngoại giao nhân dân, không chịu ảnh hưởng bởi chính trị”, các thành viên từ chức nêu rõ.

Chương trình Fulbright lâu nay nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng tại quốc hội và được xem là biểu tượng của cam kết Hoa Kỳ đối với hợp tác quốc tế, niềm tin vào học thuật và nỗ lực xây dựng sự hiểu biết giữa các quốc gia. Các thành viên FFSB cho rằng chính quyền hiện tại đã phá vỡ “yếu tố cốt lõi” của chương trình – sự liêm chính trong tuyển chọn dựa vào năng lực, không phải lập trường tư tưởng.

Phản ứng trước làn sóng từ chức, Nhà Trắng đã bác bỏ lập luận của các cựu thành viên FFSB. Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly cho rằng tổ chức này đang phản ứng thái quá, khẳng định “người dân Mỹ đã bầu Tổng thống Trump, không phải Hội đồng Fulbright” và rằng tổng thống có trách nhiệm bảo đảm các chương trình đối ngoại phù hợp với lợi ích quốc gia.

Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đồng tình với quan điểm này, bác bỏ tuyên bố rằng FFSB là cơ quan trung lập lưỡng đảng. Vị này cho biết cả 12 thành viên FFSB vừa từ chức đều được bổ nhiệm dưới thời Tổng thống Joe Biden và cho rằng việc họ từ chức là một hành động “mang tính chính trị nhằm làm suy yếu Tổng thống Trump”.

Vị quan chức này còn nhấn mạnh rằng Đạo luật Fulbright-Hays – cơ sở pháp lý của chương trình – không trao cho FFSB quyền quyết định cuối cùng về các đơn học bổng, và việc duy trì quyền như vậy là “nực cười”, nhất là trong bối cảnh cần tuân thủ các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống đương nhiệm.