2025-06-12 09:50:54

Tổng thống Putin: Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân hiện đại nhất thế giới

(NS) - Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định kho vũ khí hạt nhân của nước này là hiện đại nhất thế giới, với tỷ lệ hiện đại hóa đạt tới 95%, vượt trội so với các cường quốc hạt nhân khác.

Phát biểu trong cuộc họp chính phủ về chương trình vũ trang quốc gia diễn ra ngày 11/6, Tổng thống Putin nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của việc duy trì và phát triển bộ ba hạt nhân – trụ cột đảm bảo chủ quyền quốc gia và tạo thế cân bằng trong quan hệ quyền lực toàn cầu.

Bộ ba răn đe hạt nhân của Nga bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và các loại máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Ba hệ thống này được thiết kế để hạn chế nguy cơ bị triệt tiêu hoàn toàn trong một đòn tấn công phủ đầu, đồng thời bảo đảm khả năng đáp trả.

“Hiện tại, tỷ lệ vũ khí và thiết bị hiện đại trong các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã đạt mức 95%. Đây là con số cao nhất trong số các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới”, ông Putin phát biểu.

Tổng thống Putin trong cuộc họp báo ở Moskva cuối năm 2024. Ảnh: AFP

Trước đó, trong báo cáo hồi tháng 3/2024, Tướng Anthony Cotton – chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ – cũng thừa nhận Nga hiện đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất và đa dạng nhất thế giới. Ông cảnh báo rằng năng lực chiến lược của Moskva đã vượt Washington về một số khía cạnh then chốt.

Trong những năm gần đây, Nga đã đẩy mạnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Một trong những điểm nhấn là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat – được đưa vào trạng thái triển khai từ tháng 9/2023 – với tầm bắn lên tới 18.000 km và có khả năng mang đầu đạn nặng tới 10 tấn. Tình báo Mỹ cho biết Nga đang tiếp tục mở rộng lực lượng hạt nhân, trong đó bao gồm cả việc phát triển tên lửa không đối không có trang bị đầu đạn hạt nhân.

Dù vậy, trong bài phát biểu hôm 11/6, Tổng thống Putin cũng lưu ý rằng Moskva không nên chỉ tập trung vào vũ khí hạt nhân. Ông kêu gọi chính phủ xây dựng một chương trình phát triển vũ khí dài hạn mới, tập trung vào các hệ thống công nghệ cao, được định hình dựa trên những kinh nghiệm thu được từ xung đột ở Ukraine.

Theo báo cáo từ Tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân (ICAN) có trụ sở tại Thụy Sĩ, chi tiêu toàn cầu cho vũ khí hạt nhân trong năm 2023 đạt kỷ lục 91,4 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2022.

Nga và Mỹ vẫn giữ vị thế là hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, duy trì từ những năm 1950. Hiện nay, Moskva có khoảng 4.380 đầu đạn đang được triển khai hoặc cất giữ, trong khi Washington sở hữu 3.708 đầu đạn hạt nhân.