2025-06-09 15:41:36

Trung Quốc chưa thoát giảm phát

(NS) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 5, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận mức lạm phát âm, làm dấy lên lo ngại về tình trạng giảm phát kéo dài và gia tăng áp lực lên chính phủ trong việc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế.

Theo thông báo ngày 9/6 từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), CPI tháng 5 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, mức giảm này vẫn thấp hơn dự báo của giới phân tích trong khảo sát do Reuters thực hiện, cho thấy tốc độ giảm đang chậm lại.

Song song đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) – phản ánh giá tại cửa nhà máy – lại ghi nhận mức giảm mạnh hơn, giảm 3,3% so với tháng 5 năm ngoái. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 22 tháng, cho thấy áp lực giảm giá tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp sản xuất.

Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định với Reuters rằng Trung Quốc vẫn đang đối mặt với sức ép giảm phát rõ rệt. Ông cho rằng cuộc chiến giảm giá giữa các hãng ôtô là tín hiệu cho thấy cạnh tranh khốc liệt sẽ còn tiếp tục đẩy giá cả đi xuống. Ngoài ra, giá bất động sản đã giảm trở lại trong vài tháng gần đây sau một thời gian ổn định, làm dấy lên thêm lo ngại về sự suy yếu của tiêu dùng.

CNBC bình luận rằng các biện pháp kích thích được giới chức Trung Quốc tung ra trong thời gian qua vẫn chưa đủ mạnh để thúc đẩy tiêu dùng nội địa trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ tiếp tục gia tăng. Đầu tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt chính sách hỗ trợ, bao gồm việc hạ lãi suất tham chiếu và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng nhằm tăng thanh khoản cho hệ thống tài chính.

Khách hàng tại một quầy đồ ăn ở Thượng Hải (Trung Quốc) tháng 5/2025. Ảnh: Reuters

Trong khi đàm phán thương mại với Mỹ có dấu hiệu chững lại, thị trường đang theo dõi sát sao liệu Bắc Kinh có tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới hay không. China Securities Journal trong bài viết gần đây cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ giảm thêm RRR trong năm nay, đồng thời khôi phục hoạt động mua trái phiếu chính phủ. Trước đó vào tháng 1, PBOC từng tạm ngưng mua trái phiếu để ngăn chặn việc lợi suất tăng quá cao và tránh làm đồng nội tệ mất giá.

Trong tháng này, Diễn đàn Lujiazui – một sự kiện thường niên về tài chính – sẽ được tổ chức tại Thượng Hải. Nhiều quan chức tài chính cấp cao của Trung Quốc dự kiến sẽ có những bài phát biểu quan trọng, trong đó có thể công bố các chính sách kinh tế mới nhằm ứng phó với tình trạng giảm phát kéo dài. Tháng trước, chính quyền Thượng Hải cũng đã cho biết một số chính sách trọng điểm sẽ được công bố tại diễn đàn lần này.

Ngày 6/9 tới, Trung Quốc sẽ công bố báo cáo thương mại tháng 5. Theo dự báo của giới phân tích, xuất khẩu trong tháng này có thể tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu được dự báo sẽ giảm 0,9%. Diễn biến này phần nào phản ánh sức tiêu dùng trong nước vẫn còn yếu, trong khi nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực sản xuất và xuất khẩu.

Tình trạng giảm phát kéo dài khiến giới quan sát tiếp tục đặt câu hỏi về hiệu quả của các biện pháp kích thích hiện tại, đồng thời kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có thêm hành động cụ thể và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định tâm lý thị trường.