Đề xuất phạt đến 100 triệu đồng với hành vi chọn giới tính thai nhi
(NS) - Bộ Y tế đang đề xuất tăng mức phạt hành chính tối đa từ 30 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Mục tiêu nhằm kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh – một vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam.
Nội dung đề xuất được đưa vào dự thảo Luật Dân số, hiện đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý đến ngày 12/6. Theo số liệu thống kê năm 2024, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đã lên tới 111,4 bé trai trên 100 bé gái, cao hơn nhiều so với mức sinh học tự nhiên là 106 bé trai/100 bé gái.
Cục Thống kê cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong số 11 tỉnh thuộc khu vực này, có đến 10 tỉnh ghi nhận tỷ lệ trên 110 bé trai/100 bé gái. Bắc Ninh và Vĩnh Phúc dẫn đầu với tỷ lệ 118,5, tiếp theo là Hà Nội với 118,1 và Hưng Yên đạt 116,7. Một số tỉnh miền núi và trung du phía Bắc cũng có tỷ lệ cao như Bắc Giang (116,3), Sơn La (115), Lạng Sơn (114,5) và Phú Thọ (113,6). Ngược lại, các tỉnh phía Nam giữ được tỷ lệ giới tính cân bằng, dao động từ 105 đến 108.
Theo Bộ Y tế, hành vi chủ động can thiệp để lựa chọn giới tính thai nhi chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến mất cân bằng giới tính. Mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm hành vi này, mức phạt hành chính hiện tại là 30 triệu đồng với cá nhân vi phạm vẫn chưa đủ sức răn đe. Do đó, việc nâng mức xử phạt lên tối đa 100 triệu đồng được xem là một biện pháp mạnh để hạn chế hành vi vi phạm.
Ngoài việc điều chỉnh mức phạt, Bộ Y tế cũng đề xuất định kỳ công bố danh sách các địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao. Đồng thời, cần tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức xã hội, đề cao vai trò của phụ nữ, từ đó góp phần xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn ăn sâu trong đời sống nhiều gia đình.

Bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục thuộc Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết, trong bối cảnh mức sinh giảm mạnh xuống chỉ còn 1,91 con/phụ nữ – thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1 – nhiều gia đình chỉ sinh một con và thường tìm cách để lựa chọn giới tính. Thói quen này xuất phát từ quan niệm cần có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, cùng với việc coi nhẹ vai trò của nữ giới trong xã hội.
Một thực tế đáng lo ngại là việc tiếp cận dịch vụ y tế chẩn đoán giới tính thai nhi hiện không quá khó. Một số cơ sở y tế tư nhân vẫn lén lút thông báo giới tính thai nhi thông qua ký hiệu hoặc ám chỉ gián tiếp như “giống bố, giống mẹ” hoặc “giống/khác con đầu lòng”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhận định tại lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2024 rằng Việt Nam đang đối diện nguy cơ “giảm sinh nhưng lại thừa nam thiếu nữ”. Nếu tình trạng này kéo dài, đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi sinh sản (15-49), và con số này có thể lên tới 1,8 triệu vào năm 2059.
Mục tiêu quốc gia là đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030. Để làm được điều này, cần đồng thời thực hiện các giải pháp như nâng cao vai trò của phụ nữ, khuyến khích sinh hai con, đặc biệt là con gái, và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.
Link bài gốcCoppy
https://vnexpress.net/chon-gioi-tinh-thai-nhi-co-the-bi-phat-den-100-trieu-dong-4893215.html