MacBook cũ: Cơ hội tiết kiệm hay cái bẫy công nghệ đã lỗi thời?
MacBook cũ giá rẻ – hấp dẫn, nhưng không phải lúc nào cũng là một “món hời”. Thị trường MacBook cũ đang phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra rằng một số dòng MacBook tưởng chừng là “món hời” lại tiềm ẩn nhiều rủi ro công nghệ, hao tốn chi phí và ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng lâu dài.
MacBook Pro (2016–2019): Bàn phím mỏng – rủi ro lớn
Apple từng đặt cược vào bàn phím "Butterfly" trên các mẫu MacBook Pro đời 2016 đến 2019, với kỳ vọng tạo ra thiết kế siêu mỏng. Về mặt thẩm mỹ thì có thể gọi là ấn tượng, nhưng xét ở góc độ người dùng lâu dài – nó là một bước lùi nghiêm trọng về độ bền.
Apple đã mở chương trình bảo hành mở rộng, nhưng hiện nay nhiều máy không còn nằm trong diện đó. Người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua dòng sản phẩm này, do nguy cơ gặp sự cố ngoài ý muốn là điều có thể xảy ra, đặc biệt khi thiết bị đã không còn nằm trong diện bảo hành mở rộng của Apple.
MacBook 12 inch (2015–2017): Nhẹ tay, yếu sức
Chiếc MacBook 12 inch là một nỗ lực táo bạo của Apple: nhẹ nhất, mỏng nhất. Nhưng cũng là dòng kém hiệu năng nhất trong thế hệ MacBook hiện đại. Ngoài bàn phím cánh bướm quen thuộc với tai tiếng cố hữu, máy sử dụng CPU Intel lõi kép yếu, đến mức những tác vụ cơ bản như duyệt web nhiều tab hay chạy ứng dụng văn phòng cũng có thể làm máy “nghẹt thở”.

Mặc dù MacBook 2017 chưa chính thức lỗi thời, nhưng người dùng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua, do hạn chế về hiệu năng, thời lượng pin không còn tối ưu và khả năng tương thích phần mềm sẽ giảm dần trong những năm tới.
MacBook Intel (2019–2020): Thế hệ chuyển tiếp nhiều bất cập
Trước khi Apple chính thức chuyển sang Apple Silicon, các mẫu MacBook dùng chip Intel giai đoạn 2019–2020 là lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, so với thế hệ chip M1 ra mắt sau đó, các mẫu Intel nhanh chóng bộc lộ nhiều hạn chế: nhiệt độ cao, tiêu tốn pin, tiếng quạt lớn và hiệu năng không ổn định khi xử lý tác vụ nặng.
.jpg)
Sự xuất hiện của chip M1 đã thiết lập lại chuẩn mực về hiệu năng và hiệu quả sử dụng trên MacBook. Do đó, với những ai đang cân nhắc mua lại MacBook Intel cũ, việc xem xét kỹ lưỡng là điều cần thiết – khoảng cách giữa hai thế hệ là rất đáng kể.
MacBook Air trước 2018: Đừng để vẻ ngoài đánh lừa
Vẻ ngoài thanh lịch, mỏng nhẹ từng giúp MacBook Air đời 2010–2017 trở thành biểu tượng trong giới văn phòng. Nhưng hào quang ấy giờ chỉ còn là quá khứ. Bên trong chiếc máy tưởng chừng vẫn “ổn” là một cấu hình đã cạn kiệt sức cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh phần mềm, hệ điều hành và tiêu chuẩn bảo mật ngày càng đòi hỏi cao.
Các máy MacBook Air thế hệ này sử dụng chip Intel lõi kép yếu, màn hình TN(Twisted Nematic) có độ phân giải thấp, góc nhìn hẹp, màu sắc nhợt nhạt. Tệ hơn, Apple đã chính thức ngừng cập nhật hệ điều hành cho các model này từ cuối năm 2024 điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ sớm đối mặt với hàng loạt vấn đề về bảo mật, lỗi ứng dụng, và không thể dùng các tính năng mới.

Với những hạn chế rõ ràng từ MacBook Air trước năm 2018 – từ hiệu năng lỗi thời, màn hình kém chất lượng đến việc ngừng hỗ trợ phần mềm – việc tiếp tục đầu tư vào các dòng máy này không còn hợp lý, kể cả khi mức giá trông có vẻ hấp dẫn.
Nếu bạn đang tìm một chiếc MacBook để phục vụ học tập, làm việc văn phòng, hay thậm chí xử lý hình ảnh ở mức cơ bản, MacBook Air M1 (2020) chính là lựa chọn an toàn và tối ưu nhất hiện nay. Dù đã ra mắt gần 5 năm, dòng máy này vẫn vượt xa nhiều mẫu Intel về tốc độ, khả năng đa nhiệm, thời lượng pin và độ mượt mà của hệ điều hành macOS.
Link bài gốcCoppy
https://thanhnien.vn/nhung-macbook-doi-cu-nguoi-dung-nen-tranh-mua-18525043015504395.htm