2025-06-09 15:49:42

Robot hình người không đầu được đưa vào sản xuất ôtô

(NS) - Calvin-40, robot hình người không đầu do công ty Wandercraft (Pháp) phát triển, đang được triển khai tại nhà máy ôtô của tập đoàn Renault. Robot này có khả năng tự điều khiển bằng giọng nói và được thiết kế nhằm thay thế con người trong các công việc nặng nhọc và tiềm ẩn nguy hiểm trong môi trường công nghiệp.

Theo Wandercraft, Calvin-40 là robot đầu tiên trong dòng thiết bị hình người có khả năng vận hành độc lập bằng giọng nói, được hoàn thiện chỉ trong vòng 40 ngày. Tốc độ phát triển này được Interesting Engineering đánh giá là rất nhanh trong lĩnh vực robot công nghiệp.

Khác với các robot hình người thông thường, Calvin-40 không có phần đầu, sở hữu thân hình mảnh mai nhờ ứng dụng công nghệ xương ngoài Atalante X – một thiết bị hỗ trợ người liệt hoặc có vấn đề về vận động được ra mắt năm 2019. Công nghệ này cho phép bệnh nhân đi lại, đứng và tái học các chuyển động tự nhiên. Hệ thống có 12 khớp chuyển động ở hông, đầu gối và mắt cá chân, giúp mô phỏng hành vi vận động linh hoạt của con người. Atalante X đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt và hiện đang được sử dụng tại gần 100 trung tâm phục hồi chức năng và viện nghiên cứu lâm sàng toàn cầu.

Calvin-40 thừa hưởng khả năng chuyển động mượt mà từ Atalante X, đồng thời được tích hợp thêm các tính năng phù hợp với môi trường sản xuất công nghiệp. Phần bàn tay của robot có thể thay đổi để phù hợp với nhiều tác vụ khác nhau như mang vác vật nặng, hút chân không, kẹp chặt hay lắp ráp linh kiện nhỏ đòi hỏi độ chính xác cao.

 Giới thiệu về Calvin-40. Video: YouTube/Wandercraft

Tập đoàn Renault đã hợp tác với Wandercraft và đầu tư cổ phần vào công ty này để đưa Calvin-40 vào dây chuyền lắp ráp ôtô. Theo tuyên bố chung, robot này sẽ giúp công nhân giảm thiểu các công việc gây đau mỏi, thiếu tính công thái học, đồng thời rút ngắn thời gian sản xuất và nâng cao năng suất lao động.

Không chỉ Renault, nhiều hãng sản xuất ôtô khác cũng đang áp dụng robot hình người vào quy trình sản xuất. Năm ngoái, Figure AI đưa Figure 01 vào dây chuyền lắp ráp của BMW. Tập đoàn Boston Dynamics hợp tác với Hyundai để đưa Atlas vào nhà máy tại Mỹ. Mercedes thông báo sẽ dùng robot Apollo của Apptronik cho các tác vụ đơn giản như vận chuyển linh kiện. Nio của Trung Quốc cũng đang thử nghiệm robot trong các khâu sản xuất.

Gần đây, liên doanh Audi-FAW của Audi đã triển khai robot Walker S1 do UBTech Robotics phát triển tại Trung Quốc để sản xuất xe sang. Các hãng lớn như BYD, Zeekr, Geely và Foxconn đã đặt mua hơn 500 robot loại này. Tại nhà máy BYD ở Thâm Quyến, Walker S1 giúp tăng hiệu suất phân loại thêm 120%, còn tại Thành Đô, thời gian xử lý kho giảm 40% và chi phí nhân công cắt giảm tới 65% nhờ sự kết hợp giữa robot và xe nâng tự động.

Robot hình người đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình tự động hóa sản xuất, khi các nhà máy hướng đến mục tiêu giảm chi phí, tăng hiệu suất và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.