2025-06-06 10:04:29

Phạt nặng để ngăn doanh nghiệp trục lợi từ dữ liệu cá nhân

(NS) - Trước tình trạng xâm phạm dữ liệu cá nhân ngày càng phổ biến, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng cần áp dụng chế tài nghiêm khắc để ngăn doanh nghiệp trục lợi từ dữ liệu cá nhân. Nếu mức phạt quá nhẹ, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để đổi lấy lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 5/6, ông Hùng nhấn mạnh: "Dữ liệu cá nhân gắn với quyền con người, quyền riêng tư, không thể coi là hàng hóa thông thường. Việc khai thác phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất".

Dẫn chứng từ kinh nghiệm quốc tế, Thứ trưởng cho biết các nước như Mỹ, EU, Singapore đã áp dụng hình thức phạt theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Dự thảo Luật Dữ liệu cá nhân đang được trình Quốc hội lần này đề xuất phạt hành chính tối đa 3 tỷ đồng, có thể tăng gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật. Đặc biệt, với hành vi chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài, mức phạt có thể lên tới 5% doanh thu năm liền trước. Đối với cá nhân vi phạm, mức phạt tối đa bằng một nửa so với tổ chức.

Ngoài hình phạt tiền, dự thảo còn giao Chính phủ quy định cụ thể các hình thức xử phạt bổ sung, cũng như phương pháp tính khoản thu bất hợp pháp để bảo đảm công bằng và khả thi trong thực tế.

Chính phủ cũng giữ nguyên quy định cấm mua bán dữ liệu cá nhân nhằm bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và tăng cường hiệu quả trong việc bảo vệ quyền riêng tư của công dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới đồng tình với quan điểm siết chặt xử lý vi phạm. Theo ông, hành vi vi phạm dữ liệu cá nhân có thể bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc buộc bồi thường nếu gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh mức xử phạt cần đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp công nghệ và tập đoàn đa quốc gia.

Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng. Ảnh: Phạm Thắng

Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang cho rằng cần cân nhắc kỹ mức phạt 5% doanh thu, bởi đây là tỷ lệ rất lớn. Ông viện dẫn trường hợp của Viettel với doanh thu gần 190.000 tỷ đồng, VNPT hơn 58.000 tỷ và MobiFone khoảng 23.500 tỷ đồng – nếu áp dụng mức phạt tối đa sẽ tạo ra gánh nặng tài chính không nhỏ.

Hiện nay, theo Nghị định 13/2023, nhiều hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân như thu thập trái phép, không thông báo cho chủ thể, xử lý sai mục đích… chỉ bị phạt từ 50–70 triệu đồng. Nghị định cũng quy định hình phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động từ 1–3 tháng, hoặc tịch thu phương tiện vi phạm.

Dự kiến, Luật Dữ liệu cá nhân sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 23/6 tới.